Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 23/8: Ngành công nghiệp ô tô có tín hiệu tích cực
Công Thương và công luận 23/08/2022 12:26
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 22/8: Doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước thách thức lớn |
Báo Diễn đàn doanh nghiệp có bài “Doanh nghiệp phụ tùng ô tô Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam”; báo Giao thông có bài “Nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ muốn đầu tư vào Việt Nam”; báo Lao động có bài viết đáng quan tâm “28 doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam”.
Ngành công nghiệp ô tô được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển |
Cụ thể, có 28 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất của Ấn Độ đến trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Năm 2021, sản lượng nhập khẩu của Việt Nam về linh kiện, phụ tùng ô tô từ Ấn Độ đạt trên 290 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay với số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2022 đã đạt trên 185 triệu USD. Đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp ô tô được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng thành một ngành công nghiệp lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Mercedes, Toyota, Honda, Ford, Hyundai, đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, kéo theo chuỗi các nhà sản xuất nước ngoài cung ứng linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp dưới 20%, trong đó Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova), tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Phụ tùng, linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như: Ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao là các bộ phận, linh kiện quan trọng như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... Do đó, trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn.
Bên cạnh niềm vui về sự bổ trợ trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam và Ấn Độ thì báo chí cũng phản ánh nỗi lo của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi Mỹ thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ ép của Việt Nam. Báo Người lao động có bài “Doanh nghiệp gỗ đứng ngồi không yên”; báo Tuổi trẻ có bài “Doanh nghiệp không hợp tác, gỗ dán Việt có nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá”.
Theo bài báo, gần 40 doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng của Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa vào danh sách “không phản hồi” hoặc “không hợp tác”. Điều này dẫn đến nguy cơ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thuê luật sư nước ngoài làm dịch vụ tiếp nhận thông tin từ DOC, phản biện và khai báo. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều câu hỏi không được luật sư chuyển đến doanh nghiệp, các bằng chứng về nhà xưởng, cung ứng nguyên liệu và thực tế sản xuất cũng chưa được cung cấp đầy đủ và có hệ thống.
DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty "không phản hồi" và 14 công ty "không hợp tác". Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang cùng với 36 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm sau làm giải trình tóm tắt gửi DOC và đăng ký tham gia điều trần công khai để khẳng định rằng doanh nghiệp thực sự "vô can", không lẩn tránh thuế.
Về vấn đề này, ngày 22/8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã gửi thông báo tới Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam. Hiện, Cục Phòng vệ thương mại đang trao đổi với DOC để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đã hướng dẫn các doanh nghiệp làm đúng yêu cầu của DOC.