Trước những diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu, báo Người Lao động đã phản ánh nỗ lực và sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương qua bài viết "Xử nghiêm hành vi "găm, ém" xăng dầu". Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thành lập khẩn 3 đoàn công tác do các thứ trưởng của bộ làm trưởng đoàn để kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các vi phạm như dừng hoạt động kinh doanh không có lý do chính đáng; bán hạn chế về số lượng và thời gian trong ngày sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Báo Công An nhân dân cũng đăng tải bài viết "Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu". Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường. Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.
Qua bài viết "Ngành Công Thương phía Nam quyết liệt kiểm tra, xử nghiêm cửa hàng xăng dầu ngưng bán không lý do" Báo Công Thương cũng phản ánh sự vào cuộc kịp thời của ngành Công Thương tại địa phương.
Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Trung - Chánh Thanh tra Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Trong các ngày nghỉ lễ tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu, tập trung ở đầu mối và đơn vị phân phối. Riêng công tác kiểm tra bán lẻ được các đơn vị tập trung triển khai mở rộng, thường xuyên và giao trách nhiệm cho các đội phụ trách địa bàn.
“Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra ngay lập tức nếu phát hiện ra 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nào ngưng bán hàng. Tùy theo mức độ vi phạm và lý do mà đơn vị đưa ra chúng tôi sẽ có phương án xử phạt”- ông Trung khẳng định.
Tại Đồng Nai, theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, đơn vị này vừa có văn bản yêu cầu các đội quản lý thị trường trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, đặc biệt phải giám sát 24/24 trong đợt cao điểm nghỉ lễ 2/9.