Cụ thể, VTC News đã đưa lên tiêu điểm bài viết “Xăng có thể về 22.000 đồng/lít”. Theo đó, đại diện doanh doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, giá dầu thế giới đang chịu áp lực giảm trước nỗi lo suy thoái kinh tế của Mỹ và sự chững lại của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ thời gian qua chứng kiến các tín hiệu cho thấy sẽ có thêm nguồn cung từ Libya, Brazil, Mỹ và có thể là Iran nếu nước này và các cường quốc khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân.
"Hiện nay giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá dầu thế giới. Do đó nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm, chắc chắn giá trong nước cũng giảm theo. Mức giảm tùy thuộc vào tình hình biến động giá thế giới những ngày tới và điều hành quỹ Bình ổn giá. Nhưng với xu hướng hiện tại, giá xăng hoàn toàn có khả năng về mức 22.000 đồng/lít", bài báo nêu thông tin.
Cũng liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, báo Lao động đăng tải bài “Tại sao chậm công bố thông tin 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép?”. Bài báo nêu, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị tước giấy phép kinh doanh của 7 "ông lớn" đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Việc xử phạt 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu đều thực hiện trong tháng 7/2022. Doanh nghiệp đầu mối khi bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, chỉ hai ngày sau đã được Tổng cục Quản lý thị trường chuyển quyết định sang Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) để đăng tải công khai thông tin trên website. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phải đến ngày 9/8, Vụ Thị trường trong nước mới đăng tải công khai thông tin. Chính sự chậm trễ này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối, tổng đại lý… đối diện nguy cơ bị xử phạt.
Báo Tuổi trẻ lại có bài “Xử nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giá”. Theo ghi nhận của tác giả, dù giá xăng dầu đã giảm hơn 22% so với mức đỉnh vào tháng 6-2022 nhưng giá bán của nhiều loại hàng hóa tại TP.HCM vẫn đang neo cao, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm như dầu ăn, trứng gia cầm, thịt gà... cũng như giá bán của hàng cơm, phở, hủ tiếu...
Giải thích việc găm giá này, nhiều doanh nghiệp lấy lý do giá nguyên vật liệu còn neo cao và việc điều chỉnh giá hàng hóa cần có độ trễ nhất định so với diễn biến giá xăng dầu. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý những trường hợp người bán cố tình găm giữ giá bất hợp lý do giá xăng dầu đã giảm mạnh.
Cùng với giá xăng dầu, xuất nhập khẩu cũng là nội dung được đăng tải nhiều trên các trang báo.
Trong đó, báo Thanh niên có bài “Nỗi lo xuất khẩu giảm tốc”. Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh đầu năm nhưng bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 lại đột ngột giảm nhanh. Trước tình hình đó, các hiệp hội ngành hàng đề xuất ngân hàng cần giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay thế chấp hàng tồn kho, vay tín chấp... đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng để DN có vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh các gói kích thích và phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, để tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích kinh tế khởi sắc nửa cuối năm.
“Tìm nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm” là bài viết trên báo báo Lao động. Bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Xuất khẩu sụt giảm do Trung Quốc – một trong những thị trường nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao - giảm số lượng nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chính là Philippines (chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam) chỉ có nhu cầu nhập khẩu loại gạo có mức giá trung bình.