Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 16/5: Cần thu hút doanh nghiệp sản xuất thép đầu tư vùng duyên hải miền Trung
Cafef số ra ngày hôm nay có bài: “Ưu tiên phát triển tập trung ngành thép tại vùng duyên hải miền Trung”. Theo nội dung bài báo, trong văn bản báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD.
Cần có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp sản xuất thép phát triển |
Bộ Công Thương cho rằng, sức cầu từ ngành chế tạo như vừa nêu là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc mà hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong hoạt động sản xuất thép nội địa.
Trước nhu cầu vừa nêu, Bộ Công Thương dự kiến thu hút doanh nghiệp sản xuất thép đầu tư, phát triển tập trung ở vùng duyên hải miền Trung.
Liên quan đến chủ đề này, cafeland hôm nay cũng đưa tin: “Giá sắt thép đang dần hạ nhiệt”
Cùng với giá thép, việc biến động giá xăng dầu đang khiến dư luận đặt câu hỏi: “Làm thế nào để hạ nhiệt giá xăng dầu”? Đây cũng là chủ đề bài viết trên báo Thanh niên. Bài báo có đoạn viết: Theo thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra giữa tháng 3, Việt Nam có dự trữ quốc gia về xăng dầu nhưng lượng dự trữ chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5 - 7 ngày.
Để giảm phụ thuộc vào xăng dầu, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng - chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Việc biến động giá xăng dầu được dự báo sẽ khiến một số mặt hàng tăng giá. Báo Tuổi trẻ có bài: “Nhiều mặt hàng bình ổn có thể tăng giá”; Người lao động có bài: “Giá xăng tăng, chi tiêu thêm gánh nặng”; Kinh tế chứng khoán đưa tin: “Giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng”?
PGS-TS Nguyễn Thưởng Lạng, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu còn nhiều biến động, cơ quan điều hành cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt hơn như tiếp tục giảm thuế, phí, thậm chí chấp nhận hòa vốn, giảm thu ngân sách đồng thời các cơ quan này có trách nhiệm chống găm hàng, đầu cơ, mở kho dự trữ xăng dầu, tăng sản lượng xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, mở rộng nhập khẩu xăng dầu từ các đối tác mới.