Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 14/5: “Điểm nhấn” 71 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương
Công Thương và công luận 14/05/2022 11:45
“Ngày này năm xưa 14/5/1951: Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam” là tựa đề PODCAST đăng trên Báo Quân đội Nhân dân.
PODCAST ngày này năm xưa có thời lượng hơn 11 phút đã điểm lại những dấu mốc quan trọng liên quan đến Ngày truyền thống ngành Công Thương.
Cũng về chủ đề 71 năm truyền thống ngành, trên Báo Công Thương - Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, diễn đàn của giới Công Thương Việt Nam đã đăng tải bức thư của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, Báo Công Thương cũng có nhiều tác phẩm viết về ngày truyền thống ngành như: Tác phẩm “71 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương - Xứng danh bộ kinh tế đa ngành” của nhà báo Quang Lộc, tác phẩm “Đi tới tương lai từ điểm tựa lịch sử” của tác giả Quỳnh Anh, “Ngành Công Thương: Hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu bền vững” của nhà báo Phương Lan... cùng nhiều tác phẩm về các lĩnh vực của ngành, các bài viết phỏng vấn chuyên gia kinh tế được thể hiện phong phú, đa dạng bằng các hình thức khác nhau như Longform, Interview, Media...
Về lĩnh vực công nghiệp, Báo Lao Động có bài “Thiếu nguồn cung nguyên liệu: Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó”.
Bài báo đề cập đến việc, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm đang là một trong những vấn đề nổi cộm, khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, các đơn hàng bị đình trệ.
“Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...” bài báo nêu.
Mỗi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực, tạo dựng niềm tin với khách hàng để xây dựng thương hiệu, đây là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp… Là nội dung bài viết “Chìa khóa giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp” đăng trên tờ Hà Nội mới số ra sáng nay.
Tác giả bài viết đã trích lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm thương hiệu quốc gia nói riêng có vị thế tốt hơn trên “sân chơi” toàn cầu…
Đề cập đến vấn đề thị trường, Báo điện tử VOV có bài “Hạn chế lớn nhất tác động tiêu cực của giá xăng dầu đến nền kinh tế”.
Nội dung bài báo đăng, cần có chiến lược rất đặc biệt đối với an ninh năng lượng, nhất là công tác dự báo, dự trữ chiến lược đối với xăng dầu để tránh bị động về nguồn cung và giá cả, tác động rất lớn đến tăng chỉ số lạm phát.
“Thời gian quan, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý đã có chỉ đạo, xử lý kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Cơ quan điều hành đã sử dụng tối đa các quỹ, có đề xuất linh hoạt với chính sách thuế để ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của giá xăng dầu lên nền kinh tế” - bài báo nêu.