Giá cả hàng hóa vẫn không giảm dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt là thông tin được nhiều cơ quan báo chí đề cập ngày hôm nay (12/8). Theo đó, tờ Lao động có bài “Giá xăng dầu giảm mạnh, về mức hơn 23.000 mỗi lít”.
Theo phản ánh từ bài báo, sau điều chỉnh của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào ngày 11/8, giá xăng dầu E5 RON 92 về 23.720 đồng (giảm 900 đồng); xăng RON 95-III là 24.660 đồng, giảm 940 đồng một lít. Như vậy giá xăng đã giảm về mức hơn 23.000 đồng một lít, đây là mức giảm rất mạnh trong thời gian qua.
Giá xăng dầu giảm sâu nhưng nhiều loại hàng hóa vẫn không giảm |
Tuy giá xăng dầu giảm sâu, song giá nhiều loại hàng hóa vẫn không giảm, thậm chí neo cao. Liên quan đến vấn đề này, tờ Người Lao động đề cập: Giá xăng dầu giảm sâu, hàng hóa vẫn neo cao.
Bài báo đưa thông tin, giá xăng dầu đã giảm sâu, nhưng giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt trong khi giá nhiều loại hàng hóa khác vẫn neo cao. Trong đó, liên quan đến giá cước vận tải, nhiều công ty vận tải cho biết, giá xăng dầu giảm thời gian qua đã góp phần giảm áp lực cho ngành vận tải hàng hóa. Song giá nhiên liệu giảm cũng chỉ giúp doanh nghiệp không bị lỗ, vì thực tế giá cước vận tải hàng hóa phần lớn vẫn giữ ổn định từ đầu năm đến nay, rất ít doanh nghiệp tăng giá.
Cụ thể, ông Trần Minh Thành - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Vận tải Minh Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với những khách hàng lâu năm, có hợp đồng ký kết suốt năm thì giá cước vận chuyển không hề thay đổi dù giá xăng dầu có tăng giảm thế nào. Công ty chỉ tăng giá cước với khách lẻ mỗi khi giá nhiên liệu tăng cao nên những đợt giảm giá xăng dầu vừa qua, công ty đều giảm giá cước tương ứng để chia sẻ với khách hàng.
Trong khi đó, theo thông tin từ bài báo, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, hàng ăn uống trên thị trường đều đã thiết lập mặt bằng giá mới sau những lần tăng giá xăng dầu. Đến nay, chưa có tiểu thương hay hàng quán nào chủ động giảm giá bán.
Để giảm giá các mặt hàng tiêu dùng, tờ Kinh tế đô thị có bài: Chuyên gia hiến kế giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Bài báo dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những điểm nghẽn từ lâu ở Việt Nam là chi phí về logistics còn cao. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí logistics vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.
Theo đó, cần làm rõ chi phí ở khâu nào tăng quá cao, cần phải công khai minh bạch, không đánh đồng với những khâu trung gian khác. Ngoài ra, sự vào cuộc của các cơ quan bộ ngành để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của Việt Nam còn cao khiến doanh nghiệp tính luôn vào giá thành.
Cũng liên quan đến vấn đề xăng dầu, tờ Thanh niên có bài: 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép từ 1-2 tháng.
Bài báo dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, có 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép hoạt động. Nguyên nhân do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký, cấp giấy phép thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, trong danh sách 38 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, có 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ 1 đến 2 tháng như trên. Trước đó, trong tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra đối với 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại ba miền, cùng đoàn giám sát hoạt động thanh tra. Nội dung kiểm tra tập trung các hoạt động kinh doanh, giấy phép, nhập khẩu, cơ sở vật chất kho bãi... của các doanh nghiệp đầu mối từ đầu năm 2021 đến tháng 2/2022.