Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 10/7: Giá xăng giảm mạnh có thể về dưới 30.000 đồng/lít
Công Thương và công luận 10/07/2022 10:56
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 9/7: Xuất khẩu gạo đứng trước cơ hội lớn Giá xăng giảm liên tiếp, người dân kỳ vọng kéo giảm mặt bằng giá tiêu dùng |
Vnexpress có bài “Giá xăng có thể giảm mạnh về dưới 30.000 đồng”. Theo bài báo, từ 0h ngày 11/7, mỗi lít xăng có thể giảm 2.200-2.600 đồng, nhờ giá thế giới hạ nhiệt và chính sách giảm thuế môi trường có hiệu lực.
Giá xăng giảm mạnh có thể về dưới 30.000 đồng/lít |
Bài báo đưa dự báo của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh giá bán lẻ sẽ về mức dưới 30.000 đồng/lít, nhờ xu hướng đi xuống của thị trường thế giới và thuế môi trường với xăng dầu được giảm. Đồng quan điểm, giám đốc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng đây có thể là lần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Cùng vấn đề này, VTV đưa tin “Giá xăng dầu sẽ giảm mạnh từ 0h ngày mai (11/7)?”; Dân Việt đưa tin “Giá xăng giảm mạnh từ 0h ngày 11/7, về dưới 30.000 đồng/lít”; Zing đưa tin “Giá xăng sẽ giảm mạnh từ 0h ngày 11/7”. Bài báo đưa thông tin, công tác chuẩn bị điều hành giá sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 19-23h ngày 10/7. Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu bố trí nhân sự, đầu mối liên hệ để nhận thông tin, điều chỉnh giá trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp phù hợp với quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề giá xăng, báo Người lao động có bài “Sớm bù giá xăng dầu cho ngư dân”.
Theo tác giả bài viết, các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ hạn chế được mức tăng của mặt hàng này trước biên độ biến động quá lớn từ giá thế giới. So với cuối năm ngoái, bình quân mỗi lít xăng, dầu các loại đã tăng 26,73-67,96%, trong khi giá thế giới tăng 44,3-91,47%. Giá xăng dầu tăng cao khiến một số đối tượng, nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chi tiêu.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đề nghị nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân. "Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu - loại nhiên liệu mà ngư dân sử dụng, tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay", Bộ Công Thương đề xuất.
Giới chuyên gia nhận định, việc Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng là một đề xuất hợp lý, có tính nhân văn.
“Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ theo phương thức “thị trường”: Hỗ trợ bằng tiền (để bù vào giá xăng dầu lên cao). Đồng thời vẫn kiến nghị thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho các đối tượng (ngư dân) có thu nhập thấp”, một chuyên gia kinh tế chia sẻ.