Không chỉ nhanh chóng cập nhật các kiến thức mới từ các thị trường hàng hóa quốc tế, các khóa đào tạo cần có tính chất ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ của nhà môi giới, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát triển nhanh về quy mô
Sau những biến động lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong quý I/2022, hoạt động giao dịch hàng hóa trên các Sở giao dịch bắt đầu ổn định trở lại trong tháng 4 vừa qua.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, khối lượng giao dịch hàng hóa được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước đã giảm 4,3% so với mức trung bình trong quý I. Tuy nhiên, nếu xét chung 4 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đang ghi nhận sự đột phá so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam |
Với hơn 1.700 tài khoản mở mới trong tháng 4/2022, các thành viên thị trường của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang quản lý hơn 18.000 tài khoản giao dịch liên thông với các Sở giao dịch thế giới.
Quy mô thị trường đang tăng tỷ lệ thuận với sự phổ biến của loại hình giao dịch này đối với nhà đầu tư trong nước. Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, dòng tiền dịch chuyển từ các kênh đầu tư truyền thống trong nửa sau năm 2022 sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bùng nổ của hoạt động giao dịch hàng hóa phái sinh.
Hiệu quả từ công tác đào tạo
Trong bối cảnh này, với vai trò là Sở Giao dịch hàng hóa cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường một cách ổn định và bền vững, hơn là hướng đến sự phát triển nóng nhưng thiếu nền tảng vững chắc. Vì thế, công tác nghiên cứu và đào tạo đang là một trong những nghiệm vụ trọng tâm của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong năm 2022.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam toàn thị trường hiện có 915 học viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo định kỳ, và 154 chứng nhận hoàn thành khóa học môi giới nâng cao.
Hội thảo khoa học phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam |
Các khóa đào tạo vẫn được Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam tổ chức đều đặn hàng tháng, với sự tham gia của các nhà môi giới, các học viên và các nhà đầu tư trên khắp cả nước. Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong hơn một năm qua, các khóa đào tạo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, khó khăn này đã thúc đẩy Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, đạt tiêu chuẩn đào tạo của các tổ chức quốc tế. Với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa, các nội dung đào tạo đang ngày càng được cập nhật, bổ sung và đi sâu vào tính ứng dụng trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Đức Dũng cho biết, kể từ tháng 6/2022, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ tổ chức lại các khóa đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các điểm kết nối trên khắp cả nước, để giúp nâng cao tính tương tác trong các buổi học. Ngoài ra, sau khi ghi nhận các yêu cầu mở rộng chương trình đào tạo của các học viên, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ sớm cập nhật các học phần mới vào giáo trình giảng dạy để giúp các học viên sớm cập nhật những thay đổi mới nhất trên thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế.
Liên tục tổ chức hội thảo quy mô toàn quốc và quốc tế
Không chỉ tổ chức đều đặn các khóa đào tạo cho toàn thị trường, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã liên tục phối hợp cùng các trường đại học, học viện và các sở giao dịch liên thông, tổ chức các buổi hội thảo trên quy mô toàn quốc và quốc tế.
Hội thảo khoa học "Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" được thực hiện cùng Học viện Tài chính đã tạo được tiếng vang lớn đối với giới nghiên cứu, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành đã được Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam ghi nhận và triển khai trong hoạt động tổ chức, quản lý thị trường một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các hội thảo được tổ chức cùng Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) và Sở Giao dịch kim loại London (LME) đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ các thị trường giao dịch hàng hóa phát triển nhanh nhất trong khu vực và trên toàn thế giới.
Bên cạnh việc học hỏi các kinh nghiệm tổ chức thị trường từ các Sở Giao dịch hàng hóa lâu đời như ICE hay LME, các phân tích và nhận định của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam được rút sau quá trình nghiên cứu chuyên sâu đã được các chuyên gia và nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Đặc biệt, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã đưa ra những kịch bản rất chính xác về xu hướng của các thị trường quan trọng như dầu thô, kim loại và cà phê trong quý I, là tiền đề cho các nghiên cứu về xu hướng giá trong phần còn lại của năm 2022.
Hoạt động đào tạo luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các ngành nghề. Vai trò này càng phải được đề cao hơn trong ngành giao dịch hàng hóa. Bởi đây là thị trường còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Vì thế, các nghiên cứu, tài liệu, giáo trình về thị trường sẽ là những tài sản, công cụ quý báu, giúp các thành phần tham gia thị trường nâng cao kiến thức, kỹ năng và ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. |