Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc 38 dự án bất động sản |
Tại phiên họp thương kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2022 sáng 2/6, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu… đã tăng tốc và phục hồi nhanh so với những tháng trước và so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2022 tại phiên họp |
Tính đến tháng 5, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dần khôi phục nhịp độ hoạt động vốn có sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ….
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ. Trong đó, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 5 tháng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh một số ngành công nghiệp dần phục hồi và tăng trưởng cao vẫn còn một số ngành công ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 36,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 23,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 8,4%; sản xuất kim loại giảm 7,5%...
Về lĩnh vực thương mại dịch vụ: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 đạt khoảng gần 96.300 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 5 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Sức mua của người dân và doanh nghiệp chưa bằng giai đoạn trước đây và vẫn còn khó khăn tác động của dịch bệnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ dẫn chứng, nếu tháng 5 năm 2019, tổng doanh tu của ba chợ đầu mối (chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn) là 263 nghìn tỷ đồng, thì 5 tháng đầu năm 2022 tổng doanh thu của ba chợ này chỉ đạt 214 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy sức mua của người dân và doanh nghiệp có tăng, nhưng chưa bằng giai đoạn trước đây.
Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tháng 5 năm 2022 tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 4,56 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu cả nước của thành phố đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Ghi nhận cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP. Hồ Chí Minh đều tăng. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 4,2% so với cùng kỳ; giày dép các loại tăng 8,6% so với cùng kỳ; dệt may tăng 30,3% so với cùng kỳ; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 18,6% so với cùng kỳ; hàng thủy sản tăng 74% so với cùng kỳ; Rau quả tăng 57,1% so với cùng kỳ…
Nhìn chung, mặc dù còn khó khăn thách thức về quá trình phục hồi sản xuất sau dịch, nhưng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.