Điểm sáng của nền kinh tế trong đại dịch
Trong tháng đầu năm 2022, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Thị xã Quảng Yên- tỉnh Quảng Ninh), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD). Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh Quảng Ninh.
Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao |
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6ha. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD). Dự án này đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar. Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức vào tháng 4/2022, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương, đồng thời cũng thêm tin vui về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng cơ hội trong dịch bệnh, liên kết trong chuỗi cung ứng được tăng cường vững chắc hơn phục vụ những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…, qua đó từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt nững ngày cuối năm 2021, ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco ngày 15/12/2021 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia và khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong xuất khẩu tiếp tục tăng từ 85,19% năm 2020 lên 86,24% năm 2021.
Đáng chú ý, trong tháng 01/2022, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng 2,8% và đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Với kết quả trên, Bộ Công Thương nhìn nhận, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục dựa vào tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng khá cao; tình hình tiêu thụ thuận lợi, tồn kho ở mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, kể cả các hàng hóa thông dụng và hàng hóa thiết yếu. Sản xuất liên tục được mở rộng với sự đóng góp của các ngành điện tử, dệt, ô tô...
“Trợ lực” từ chính sách
Được biết, mục tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng năm 2021 và được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đó là mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.
Theo Bộ Công Thương, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi con số này của giai đoạn 2011-2020 chỉ ở mức trên 11%. Và để đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng, ngành chế biến chế tạo mỗi năm cần nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800.000 - 1 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần khoảng từ 60.000 - 90.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, mục tiêu đặt ra khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025.
Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco ngày 15/12/2021 |
Cuối tháng 8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (giai đoạn 2023-2025). Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thời gian tới.
Luật Phát triển công nghiệp được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để thống nhất triển khai các chính sách phát triển công nghiệp của quốc gia, tạo điều kiện bố trí các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đồng thời, việc thông qua Luật cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chính sách phát triển đối với các phân ngành công nghiệp nền tảng cụ thể như công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử... Trên cơ sở đó, tiến tới huy động sự tham gia của các nguồn lực cần thiết từ Trung ương đến địa phương và các nguồn lực xã hội để hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra.
Trong năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 – 2023, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2022.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cần chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi phương thức giao dịch nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Đó là những thay đổi để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tới. |