Trang trại Skyfarm đã ứng dụng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao |
Ðầu tư vào nông nghiệp sạch
Tôi có dịp gặp anh Trần Thái Dương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Skyfarm, một người còn rất trẻ tuổi (sinh năm 1983) nhưng đã khởi nghiệp thành công khi đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao về ứng dụng trên đất đồi. Dù tốt nghiệp hai bằng thạc sỹ về tài chính ứng dụng và quản trị kinh doanh tại Australia, nhưng sau khi về nước, từ bỏ những lời mời gọi lương cao trong ngành ngân hàng, Trần Thái Dương đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực nhiều thách thức, lắm rủi ro đó là nông nghiệp sạch.
Anh Dương kể, anh bắt đầu đầu tư vào dự án nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2012. Khi đó, đoạn đường từ Hà Nội tới nông trại ở xã Cao Răm chỉ chừng 60km nhưng 3km cuối đi lại rất cực nhọc, phải lội qua chín con suối và một dãy núi, thêm nữa, thời gian đầu, khu vực này không có nước sạch và điện sản xuất, ngoài ra, sóng điện thoại và Internet là điều không tưởng. Sau một năm đầu tư, khu sản xuất công nghệ cao mới thành hình hài với việc áp dụng các công nghệ canh tác tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hà Lan.
Tính đến nay, Skyfarm đã đầu tư số vốn hơn 1 triệu đô-la Mỹ vào 10 héc-ta sản xuất rau củ quả tại huyện Lương Sơn. Trong đó, nổi bật là áp dụng công nghệ nhà kính giúp cách ly môi trường canh tác khỏi các yếu tố sâu bệnh từ môi trường tự nhiên, giúp điều chỉnh các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm tùy theo nhu cầu của từng cây trồng. Bên cạnh đó, là công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm 50 - 80% lượng nước tưới so với phương pháp truyền thống và công nghệ hữu cơ vi sinh EM (Effective Microorganism) sử dụng các vi sinh vật để phân giải nhanh, triệt để các chất hữu cơ phế thải trong tự nhiên, qua đó giải phóng, tái tạo năng lượng và dinh dưỡng cho đất, cây trồng và môi trường trong một chu kỳ sinh học khép kín. Ngoài ra, là các công trình phụ trợ đồng bộ như nhà sơ chế, kho vật tư, nhà làm việc, sinh hoạt và bếp ăn cho cán bộ và công nhân. Hệ thống cấp thoát nước, hồ điều hòa, Internet cáp quang, điện sản xuất đều đã được hoàn thiện. Tất cả đều được triển khai đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tạo việc làm cho Ðồng bào dân tộc
Anh Trần Thái Dương khẳng định, so với nông nghiệp truyền thống, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao khá tốn kém nhưng về lâu dài hiệu quả thu được rất cao. Mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, nên số lượng sản phẩm tạo ra từ dự án của Skyfarm còn khiêm tốn, khoảng 1 tấn/tháng nhưng đã đem lại doanh thu 200 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, dự án của công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 30 lao động, trong đó có 20 lao động là người dân tộc thiểu số tại Hòa Bình.
Đến nay cái tên Skyfarm dường như đã trở nên quen thuộc với những ai yêu thích rau, củ, quả tươi, sạch bởi Skyfarm là công ty nông nghiệp công nghệ cao duy nhất ở miền Bắc có trang trại đạt tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP). Chia sẻ thêm, anh Dương cho hay, tại Việt Nam, phẩm chất của các loại rau, củ, quả trên thị trường hiện nay đang xuống cấp trầm trọng do hậu quả của việc lạm dụng phân bón vô cơ lâu dài, thiếu các biện pháp canh tác bền vững, hoàn trả dinh dưỡng, khoáng chất cho đất. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là bằng các phương pháp canh tác hướng hữu cơ kết hợp với công nghệ hiện đại sẽ cho ra những sản phẩm không chỉ an toàn mà còn đậm đà về hương vị, khơi dậy lại hương vị truyền thống của nhiều loại rau củ quả.
Các sản phẩm mang thương hiệu của Skyfarm cũng được đầu tư kỹ lưỡng cho hệ thống nhận diện thương hiệu gồm nhãn mác, bao bì, các tài liệu truyền thông - giúp tạo dựng hình ảnh một thương hiệu được đầu tư nghiêm túc, bài bản và dài hạn. Ngoài ra, mã truy vết trên bao bì cho phép người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc về lịch sử canh tác của từng sản phẩm cụ thể, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của GlobalGAP. Trong thời gian tới, Skyfarm sẽ mở rộng canh tác các sản phẩm rau bản địa của Việt Nam và tiếp tục phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo thành một chu trình sản xuất khép kín.