Cổng FTAP: Kênh thông tin về thị trường xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp 16 Bộ, ngành tham gia vận hành và phát triển Cổng thông tin điện tử FTAP |
Ngày 23/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là Cổng FTAP tại địa chỉ fta.gov.vn )nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng tìm hiểu về các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cổng FTAP thông tin về các Hiệp định thương mại tự do. Ảnh: HQ |
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Công Thương cho biết, đây lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.
FTAP lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm để thực hiện các mục tiêu chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, từ đó đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu; hiện thực hóa và tận dụng tối đa lợi ích của các FTA; đảm bảo hiệu suất và hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người dân về các cam kết của Việt Nam trong các FTA.
Với mục tiêu đó, Cổng FTAP được thiết kế và xây dựng với các tính năng, nội dung chính bao gồm: Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi; số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý.
FTAP là công cụ tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ của các FTA. Ảnh: HQ |
Cụ thể, về thương mại hàng hóa, Cổng FTAP cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi và các thủ tục cần thực hiện và các biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình xuất khẩu/nhập khẩu mặt hàng đó...
Về thương mại dịch vụ - đầu tư, Cổng thông tin FTAP cho phép doanh nghiệp và người dân tra cứu ra kết quả cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư liên quan tới từng ngành/phân ngành dịch vụ hoặc phi dịch vụ theo từng phương thức cung cấp dịch vụ cũng như thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật cam kết và hiện hành có liên quan... Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân có được thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA này mang lại.
Nhằm tối ưu hóa tính thuận tiện, dễ hiểu và dễ vận dụng cho doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm, khai thác các FTA, những thông tin, nội dung trên Cổng FTAP được thể hiện theo xu hướng hiện đại, hiệu quả thông qua đa dạng các loại hình: Bài viết, video clip, sơ đồ, hình ảnh minh họa… và đều có thể lưu trữ, truy cập nhanh.
Theo ghi nhận, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn triển khai các FTA, việc hình thành Cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) là một trong những giải pháp hữu hiệu, một cách thức mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các FTA. Đặc biệt với lộ trình phát triển, nâng cấp phát triển các tính năng mới FTAP sẽ là kênh thông tin FTAP tin cậy, hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng và người dân.
FTAP sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng nắm bắt các cơ hội phát triển kinh doanh, xuất khẩu. Ảnh: HQ |
Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 FTA ở cả ở cấp độ song phương và nhiều bên, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới và qua đó thực hiện tốt chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy với các đối tác chiến lược.
Bộ Công Thương đánh giá, việc triển khai các FTA cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Những tác động tích cực khác cũng có thể quan sát được trong lĩnh vực công nghiệp, như tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế, tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến... Đặc biệt, việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.
Trên cơ sở đó, thông qua Cổng thông tin FTAP, Bộ Công Thương mong muốn các nội dung cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng nắm bắt các cơ hội phát triển kinh doanh, xuất khẩu nhờ các FTA. Đặc biệt là sẽ cải thiện được mức độ tận dụng các FTA hiện nay của doanh nghiệp, ngành hàng. Do, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành phố còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP hay ngay cả EVFTA. “Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong CPTPP như Canada hay các nước EU còn tương đối khiêm tốn” - Bộ Công Thương đánh giá.
Sau khi nhận bàn giao FTAP, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác chuyên trách để triển khai hiệu quả FTAP nhằm giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các FTA mang lại. Trong giai đoạn 2022 - 2025, FTAP tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên, đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia. |