Văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình và được tạo dựng hoàn thiện trên nền văn minh nương rẫy cộng với văn minh lúa nước, lấy núi đá, hang động và âm thanh từ những thanh thạch nhũ là điểm khởi nguyên. Và khi cồng chiêng có mặt trong đời sống cộng đồng thì nó là nhạc khí, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của tầng lớp bình dân, được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
|
Cồng chiêng được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng |
Với người Mường, cồng chiêng chính là điểm tựa tinh thần của đồng bào và là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường. Cồng chiêng trở thành nhịp sống, là tiếng lòng của người Mường giúp họ giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng dân tộc.
|
Cồng chiêng, tiếng lòng của đồng bào dân tộc Mường |
|
Giúp người Mường giao hòa với thiên nhiên |
|
Cồng chiêng mang may mắn đến mỗi nhà |
Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường.
|
Cồng chiêng tạo sức mạnh đại đoàn kết |
|
Tùy từng nghi lễ, cồng chiêng có thể sử dụng đơn chiếc, thành dàn nhỏ từ 2 - 3 chiếc |
Cồng chiêng tham gia vào tất cả các hoạt động trong đời sống của người Mường. Vào đầu năm mới, cồng chiêng theo các phường xắc bùa mang may mắn đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; khi kéo gỗ làm nhà, trong các cuộc đi săn, cồng chiêng tạo nên sức mạnh đoàn kết; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no... Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.
Thực sự văn hóa cồng chiêng đã ăn sâu, bám rễ vào mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Mường. Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm hòa quyện cùng tiếng suối, tiếng gió, tiếng lòng người đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng Mường mới có được. Văn hóa cồng chiêng là điểm tựa tinh thần của dân tộc Mường và là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Mường.