Các bé gái dân tộc Mông được tới trường sẽ là cơ hội để các em hiểu hơn về tác hại của tảo hôn |
Tỷ lệ tảo hôn cao dẫn đến đói nghèo
Tại “Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn” vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ DTTS (UBDT) đã cung cấp nhiều thông tin đáng lo ngại: Đó là, tỷ lệ tảo hôn trong DTTS là 26,6%. Trong đó, có những dân tộc có tỷ lệ tảo hôn lên tới 50 - 60% như: Dân tộc Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru, Vân Kiều…
Tảo hôn đã khiến nhiều trẻ em trai, gái vùng DTTS mất đi cơ hội học tập, có việc làm tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. “Thực tế, đa phần các trường hợp tử vong trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản… đều liên quan đến các cặp đôi tảo hôn” - bà Tư nhấn mạnh.
Cũng theo bà Tư, tảo hôn vùng DTTS đang góp phần tăng áp lực cho xã hội trên nhiều lĩnh vực như: Dân số, việc làm, chăm sóc sức khỏe; là rào cản đối với việc giảm nghèo, phổ cập giáo dục, bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe bà mẹ - trẻ em.
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy, các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao, đồng thời cũng là các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ đói nghèo dẫn tới tảo hôn, tảo hôn lại khiến cuộc sống tiếp tục đói nghèo. Đây được xem là cái vòng luẩn quẩn còn tồn tại ở rất nhiều vùng đồng bào DTTS. Tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Mê Kông và Tây Nguyên.
Chung tay ngăn ngừa tảo hôn
Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, mà theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016, tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn, còn là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, thực tế việc xử lý các trường hợp tảo hôn còn khá nhẹ, chỉ là cảnh cáo, nhắc nhở, mức phạt tiền cũng rất ít. Con số hơn 80 cặp vợ chồng tảo hôn chỉ trong 6 tháng đầu năm ở xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cũng đã phần nào cho thấy tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa có hướng giải quyết triệt để đối với nhiều bản, làng vùng DTTS.
Thực tế, những năm qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015 – 2020”. Cùng với đó, việc thông qua các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2015, bao gồm cả mục tiêu chấm dứt tảo hôn vào năm 2030, có thể xem là cơ hội giúp các trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, xây dựng tương lai của mình… “Giải quyết tình trạng tảo hôn cũng chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng và quốc gia” - ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT khẳng định.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác thanh thiếu niên và nhi đồng, bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương - cho rằng: Để từng bước xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam một cách hiệu quả, Chính phủ cần tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội nhân sự. Trong đó, chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích các em được đi học, bố trí việc làm.
Song song với đó là các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: Truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015 - 2020 đặt mục tiêu: Giảm 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn, đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống trong vùng DTTS. Hy vọng, với sự quyết liệt chung tay của các cấp, các ngành, mục tiêu trên sẽ sớm trở thành hiện thực, mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ vùng đồng bào DTTS .
Theo quy định của pháp luật Việt Nam: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi như quy định trên được coi là tảo hôn và là hành vi vi phạm pháp luật. |