Cần phân định cụ thể trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý CCN ở địa phương |
Cả nước có trên 600 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng của các CCN này không theo quy trình chặt chẽ, hầu hết không có quyết định thành lập và hồ sơ pháp lý theo dõi.
Tại nhiều địa phương, CCN phát triển một cách tự phát, gần như các huyện đều có chủ trương hoặc đã hình thành CCN. Thực tế này khiến nhiều tỉnh, thành phố phải điều chỉnh lại quy hoạch. Thanh Hóa là một ví dụ, trước thời điểm Quyết định 105 được ban hành, đã quy hoạch tới 100 CCN, hầu hết có quy mô nhỏ lẻ. Sau 2 lần thực hiện rà soát, tỉnh phải chuyển đổi, đưa ra khỏi quy hoạch 47 cụm.
Bắc Giang có 29 CCN hình thành trước khi có Quy chế quản lý CCN. Các CCN này có diện tích nhỏ hơn 75ha, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Nhằm gỡ khó, tỉnh đã điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch phát triển 9 CCN với tổng diện tích 227ha; điều chỉnh thu hẹp diện tích 6 CCN với tổng diện tích 79,92ha.
Việc phát triển “nóng” của CCN có một phần nguyên nhân từ cơ chế, chính sách chưa cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không thống nhất. Đơn cử, những CCN không có chủ đầu tư hạ tầng thì thành lập trung tâm phát triển CCN. Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm lại không có hướng dẫn, trong khi kinh phí của địa phương hạn chế, khó bố trí nhân lực. Tại một số CCN, UBND huyện vừa làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh là không phù hợp.
Cùng đó, theo Quy chế quản lý CCN, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với CCN, UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn. Tuy nhiên, quy chế không phân định rõ trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nhằm tạo thuận lợi giải quyết các thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất - kinh doanh trong CCN. Trong khi đó, để triển khai dự án đầu tư, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, liên hệ với nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.
Mặt khác, đối tượng đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất nho, năng lực tài chính, trình độ quản lý yếu nên việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các sở, ngành cấp tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong các cuộc hội thảo, lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về quản lý CCN do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị giao UBND cấp huyện làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào trong CCN.
Theo ghi nhận chung, việc quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng - kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh trong CCN ở địa phương theo nguyên tắc một đầu mối là hợp lý. Sở Công Thương là đầu mối tiếp nhận, thẩm định, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng - kỹ thuật CCN. UBND cấp huyện là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư vào trong CCN, như vậy mới phân định cụ thể trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý CCN ở địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm kinh phí, thời gian cho doanh nghiệp trong triển khai dự án đầu tư.
Nghị định về quản lý CCN đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt, trong đó quy định cụ thể về việc quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN. Văn bản này được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự trong công tác quản lý CCN đang còn nhiều bất cập. |