Ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cần duy trì sản xuất Đảm bảo không để thiếu thuốc phòng chống dịch bệnh |
Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.
Cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo các văn bản của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố (Công văn số 1453/BYT-DP ngày 17/3/2023 về việc chủ động, tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; Công văn số 3463/BYT-DP ngày 05/6/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; Công văn số 5103/BYT-DP ngày 12/8/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch).
Chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, hiện tại các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch. Đối với dịch truyền Dextran - dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.
Báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có đề nghị tăng cường truyền thông, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng khí Nitơ Oxit (N2O). Báo cáo của một số địa phương đã xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma tuý khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.