Ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cần duy trì sản xuất
Tin hoạt động 08/08/2021 17:00
Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, hiệp hội và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 |
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - ông Nguyễn Hoài Nam - cho biết: Dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;…
Nhiều ý kiến hiệp hội ngành hàng đề nghị, cần có các chỉ đạo cụ thể trong thống kê, kiểm kê, đánh giá hàng tồn kho; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những ngành hàng, lĩnh vực có lực lượng lao động lớn; bảo đảm duy trì các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhất là xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối; đưa nhóm mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vào luồng xanh; thống nhất trên toàn quốc các tiêu chí về vùng xanh; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng về lao động, việc làm...
Cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vaccine phòng Covid-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị |
Ưu tiên phòng chống dịch nhưng vẫn cần duy trì sản xuất
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ, giải đáp những câu hỏi mà các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, an toàn trong sản xuất và vấn đề ưu tiên tiêm vaccine…
Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm; không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.
Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ làm việc với EVN để xem xét, giải quyết, nhất là giảm giá điện cho nhóm ngành chế biến nông, thủy sản theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị.
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường, không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.
“Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế và mong muốn: Cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp, nêu những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có cơ sở nào đảm bảo khi nào kết thúc, do vậy, cần phải tính đến kịch bản xấu nhất là “phải sống chung với Covid-19”. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra 5 đề xuất:
Một là các địa phương tiếp tục thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hoá thiết yếu. Các quy định cần được thực hiện nhất quán tại các địa phương chứ không nên để tình trạng mỗi nơi một quy định, gây cản trở người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận hàng hoá.
Hai là, doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn sản xuất. “Chúng ta không sản xuất bằng mọi giá mà phải làm bằng mọi cách để làm sao vừa phòng chống dịch nhưng vừa thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh, vì hai mục tiêu này là điều kiện thúc đẩy lẫn nhau và không thể tách rời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ba là, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cũng như tạo điều kiện xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho người lao động, để doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất. Khi vaccine được phủ sóng rộng khắp, người lao động được an toàn, khi đó, hoạt động của doanh nghiệp mới được đảm bảo, ổn định và liên tục. “Tiến độ tiêm vaccine cần phải được đẩy nhanh, bởi chúng ta chỉ an toàn khi tất cả được an toàn. Khi tất cả người lao động được tiếp cận vaccine, được an toàn thì doanh nghiệp ở trong vùng dịch hay ngoài vùng dịch đều có thể yên tâm sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bốn là, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để có thể tăng giờ làm một cách hợp lý, tận dụng cơ hội khi tổng cầu thế giới đang lên cũng như bù lại khoảng thời gian mà vì dịch bệnh, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản và tạm trữ lương thực cho người dân. Hiện nay, lúa gạo ở các tỉnh phía Nam, nhất là Đồng Bằng sông Cửu Long đang vào vụ. Việc thu mua nông sản không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân mà doanh nghiệp còn có thể coi đây là nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ khi các nhà máy chế biến nông sản, thuỷ sản khôi phục lại sản xuất. Nếu như doanh nghiệp tư nhân thu mua sẽ thuận lợi hơn bởi sẽ bớt được các thủ tục cũng như những ràng buộc khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội tại cuộc họp |
Cố gắng đáp ứng cao nhất trong điều kiện có thể
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Hội nghị đã thống nhất nhận thức, quan điểm, một số nhiệm vụ, giải pháp và cách tổ chức thực hiện để vừa chống dịch thành công, vừa có thể phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, công tác chống dịch hiện nay chưa có tiền lệ, ban đầu có những lúng túng, bị động nhất định, nhưng nếu chúng ta bình tĩnh, kiên định, sáng suốt thì sẽ tìm được giải pháp, hướng đi, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”..., vừa tham khảo kinh nghiệm các nước, vừa tổng kết từ các mô hình hay tại các địa phương, điều chỉnh, hoàn thiện dần. Thực tế, nhiều địa phương đã có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đạt tăng trưởng khá trong nửa đầu năm như Vĩnh Phúc tăng 14,2%; Hải Phòng tăng 13,52%; Hà Nam tăng 10,41%; Bắc Giang tăng 10,2%...
Hội nghị đã trao đổi và thống nhất quan điểm về một số nội dung lớn. Trước hết, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Chúng ta phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Nội dung lớn thứ hai được thống nhất tại Hội nghị là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp |
Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Cụ thể, Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ NN&PTNT triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là bảo đảm nguyên liệu, sản xuất liên tục cho các sản phẩm tiêu dùng ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội; Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách…
Về phía các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.