Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mông ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang |
Thêm nhiều đồng bào DTTS được đào tạo nghề
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009. Đề án được thực hiện trong 11 năm (2010 - 2020) với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, vùng DTTS, trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người; đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.
Ngay sau khi quyết định có hiệu lực, nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng DTTS. Trong đó, vùng trung du miền núi phía Bắc có tỷ lệ người DTTS được hỗ trợ học nghề cao nhất (59%), tiếp theo là Tây Nguyên (50%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (15%), Tây Nam bộ (13%).
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều lao động là người DTTS đã có công việc ổn định, nhiều lao động vẫn làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp ở các huyện miền núi giảm đi trông thấy, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Câu chuyện của huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ. Huyện có tới 74% dân số là đồng bào DTTS, ngoài thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ chăm sóc rừng, đa số bà con dựa vào cây cà phê, nhưng do trình độ canh tác thấp nên sản lượng không cao. Nhờ được hỗ trợ học nghề, người dân đã hiểu hơn về vai trò của khoa học công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Hiện Lạc Dương có gần 30 héc-ta rau hoa áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt..., tập trung tại các xã Đạ Sar, Đa Nhim, Đạ Chais. Điều đáng nói là, nhờ tham gia các lớp học nghề, tập huấn, đồng bào DTTS đã trở thành những chủ nhân đích thực của các mô hình này, với thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Làm sao để sống được bằng nghề đã được đào tạo?
Mặc dù việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS đã được triển khai rộng khắp, nhưng không phải tất cả đều hiệu quả. Nếu như nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng đang góp phần tạo việc làm cho nhiều chị em sau khi được dạy nghề, với mức thu nhập từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng; thì cũng tại các địa phương này, nhiều chị em học nghề xong về “bỏ đấy” vì không kiếm được việc làm. Hay như, năm nào các huyện, xã ở Sơn La cũng có lớp đào tạo nghề, nhưng thực tế nhiều công trình xây dựng đơn giản của địa phương cũng phải thuê thợ từ dưới xuôi lên làm với giá nhân công đắt đỏ…
Chia sẻ về những bất cập còn tồn tại trong công tác dạy nghề cho đồng bào DTTS, lãnh đạo huyện Lạc Dương trăn trở: “Khó khăn nhất trong dạy nghề nông thôn hiện nay là Đề án quy định mỗi lao động có thể được học nhiều nghề, nhưng chỉ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho một nghề. Điều này đúng với các nghề phi nông nghiệp, trong khi số đông người dân địa phương, nhất là bà con DTTS thì lại sống bằng nghề nông “đa cây, đa con”.
Thực tế, đa số các trung tâm dạy nghề đều nằm trên địa bàn thị xã, thị trấn nên việc đi học nghề của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của học viên. Bên cạnh đó, do hạn chế về trình độ, một số lao động người DTTS có tâm lý ngại học nghề nên rất ít người đăng ký tham gia các lớp học, nhiều người tham gia nhưng chưa thực sự chuyên cần nâng cao tay nghề, chưa nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề nên hiệu quả của việc học nghề chưa cao.
Ngoài ra, hầu hết các trung tâm chỉ dạy nghề lao động nông thôn trình độ sơ cấp, không đào tạo những nghề mang tính dịch vụ, kỹ thuật cao nên sau khi ra trường, các học viên đã hoàn thành khóa học rất khó xin việc làm tại các công ty, doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, để người học nghề sống được bằng nghề, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường và phát huy mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, mở rộng và xã hội hóa các loại hình dạy nghề nhằm tạo cơ hội cho người học tiếp xúc với việc làm. Có như vậy, lao động nông thôn, nhất là lao động người DTTS mới có cơ hội thoát nghèo nhờ nghề.