Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC - cho rằng: Thương mại điện tử đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Trong thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Cũng theo ông Vũ Quốc Huy, Việt Nam có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều làng nghề sản xuất truyền thống, nhiều thợ có tay nghề cao. Theo đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ rất cần thiết mà còn giúp cải tiến, thay đổi công nghệ làm hàng thủ công tại Việt Nam.
Thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc khu vực phía Nam - Amazon GlobalSelling Việt Nam - đánh giá: Thủ công mỹ nghệ được đánh giá là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam để phát triển xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với việc người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong bối cảnh dịch Covid-19, kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là một trong những hướng đi mà nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nên cân nhắc tìm hiểu.
Đặc biệt, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, thời gian gần đây Amazon Global Selling Việt Nam đã liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, hoạt động này hứa hẹn sẽ góp phần đưa hàng Việt ngày càng vươn xa ra thế giới.
Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử là rất lớn, tuy nhiên theo ông Trần Quý Hiến - Đồng sáng lập Ecomstone Việt Nam, cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử - chia sẻ: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, để chinh phục khách hàng, các sản phẩm khi đăng bán trên thị trường bên cạnh mẫu mã đẹp, tinh tế, cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường.
Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu), vì có một số doanh nghiệp sai lầm khi bán hàng trên Amazon đã sao chép mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, khi bị phát hiện sẽ bị khoá tài khoản. Do đó, các doanh nghiệp phải có sự sáng tạo về mẫu mã hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.
Để các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành công trên Amazon, ông Trần Quý Hiến cho rằng, các doanh nghiệp cần kiên trì, liên tục tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, tăng cường trải nghiệm mua sắm tốt cho khách hàng, xây dựng thương hiệu, chú ý không bán sản phẩm đơn lẻ và đặc biệt là tuân thủ các chính sách từ Amazon.
Hiện Amazon có hơn 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng với hơn 200.000 máy móc vận chuyển tự động có thể giúp người bán hàng vận chuyển sản phẩm tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu trên Amazon. |