Theo số liệu của Hải quan Algeria, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 35,82 tỷ USD, giảm 14,29% và kim ngạch nhập khẩu đạt 41,93 tỷ USD, giảm 9,49%. Dầu khí vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu của Algeria với tổng giá trị 33,24 tỷ USD.
Các nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Algeria gồm Trung Quốc (kim ngạch 7,65 tỷ USD, chiếm 18,25 % tổng kim ngạch nhập khẩu của Algeria), Pháp (4,27 tỷ USD, chiếm 10,20%), Italia (3,41 tỷ USD, 8,13%), Tây Ban Nha (2,93 tỷ USD, 6,99%) và Đức (2,83 tỷ USD, 6,76%). Các nước là khách hàng lớn nhất của Algeria năm 2019 gồm Pháp (5,05 tỷ USD, chiếm 14,11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Algeria), Italia (4,62 tỷ USD, 12,90%), Tây Ban Nha (3,99 tỷ USD, 11,15%), Anh (2,29 tỷ USD, 6,42%) và Thổ Nhĩ Kỳ (2,24 tỷ USD, 6,27%).
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria năm 2019 đạt 187 triệu USD, giảm 2,6% so với năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là cà phê, kim loại thường, thủy sản, điện thoại, gạo, hóa chất, hạt tiêu…trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên đến 110,65 triệu USD.
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 5/3/2020, Algeria đã ghi nhận 17 ca bị nhiễm bệnh (không kể 1 trường hợp là người nước ngoài). Bên cạnh các biện pháp thông thường áp dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Chính phủ Algeria đã ra lệnh cấm các tổ chức/cá nhân Algeria xuất khẩu khẩu trang đồng thời tăng cường sản xuất các thiết bị phòng hộ và nhập khẩu thêm từ nước khác; Tiếp tục ngừng các chuyến bay của Air Algeria sang Trung Quốc (kể từ 3/2/2020); Kiểm soát chặt về y tế những hành khách đến từ các nước có dịch Covid-19 đang hoành hành…
Liên quan đến trao đổi thương mại với thế giới, nhất là các đối tác lớn, ngành ngoại thương Algeria sẽ chịu những tác động tiêu cực. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Algeria năm 2019 với kim ngạch 7,65 tỷ USD. Theo Hiệp hội các Thương nhân và Thợ thủ công Algeria, trong 2 tháng đầu năm 2020, nhiều hoạt động nhập khẩu hàng thành phẩm từ Trung Quốc (như đồ dùng học sinh, đồ điện gia dụng, quần áo, linh kiện, đồ đạc trong nhà, túi xách) đã phải hủy bỏ hoặc hoãn giao dịch trực tiếp do ngừng các chuyến bay của Air Algerie sang nước này.
Đối với các nhà sản xuất công nghiệp Algeria, một số doanh nghiệp cũng đã hoãn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc (như chất dẻo) để chờ diễn biến tình hình trước khi quyết định thay đổi nhà cung cấp. Các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm nguyên liệu đầu vào vì đã tạo hình máy móc sản xuất, chưa kể đến các yếu tố như tiêu chuẩn kỹ thuật, kích cỡ, thành phần hóa chất và vấn đề giá cả do hàng Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài và hạn chế về vận tải hàng không thì các doanh nghiệp Algeria phải đa dạng hóa đối tác.
Dự báo, thời gian tới, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Algeria sẽ trở nên khan hiếm. Các sản phẩm có nhu cầu cao sẽ là đồ dùng học sinh, điện gia dụng, quần áo, linh kiện và đồ đạc trong nhà, túi xách, nguyên liệu chất dẻo, điện thoại và linh kiện… Bên cạnh đó, người dân có tâm lý tích trữ hàng lương thực, thực phẩm, như gạo, bánh kẹo, hạt tiêu, điều, hải sản… nhất là cho tháng Ramadan bắt đầu vào cuối tháng 4/2020. Đây là cơ hội cho hàng hóa các nước khác, trong đó có Việt Nam thâm nhập vào thị trường 42 triệu dân này. Điều quan trọng là hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện cạnh tranh về giá cả và bảo đảm về mặt chất lượng.