MEGA US EXPO 2024 - kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc Báo Công Thương là ''cầu nối'' giữa các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương |
Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”
Ngày 16/8/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024.
Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. (Ảnh: QH) |
Tham dự hội nghị có các đại diện Bộ Công Thương: Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước; ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. Ngoài ra còn có đại diện 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các sở, ngành cấp tỉnh; các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, chủ thể sản xuất sản phẩm hàng hóa.
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến, kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: QH) |
Đồng thời hướng tới mục đích hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng; tạo điều kiện giao lưu, tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Các đại biểu đại diện cho Bộ Công Thương. (Ảnh: QH) |
Tại Hội nghị lần này, Ban tổ chức đã trình chiếu video về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản chủ lực của tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã có ý kiến tham luận, thông tin về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về quy mô dân số, Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài nguồn lao động dồi dào, giao thông thuận lợi, nhiều năm gần đây, cơ sở hạ tầng phát triển của tỉnh liên tục được đầu tư, tạo nền tảng và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, giao thương nội địa và xuất khẩu.
Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QH) |
Ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) là khu kinh tế trọng điểm quốc gia; toàn tỉnh hiện có 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp được quy hoạch, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đang trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thanh Hóa hiện đã là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tên tuổi trên thế giới và trong nước. Nhiều sản phẩm của Thanh Hóa như lọc hóa dầu, điện, xi măng... đang đứng đầu cả nước về sản lượng. Nhiều năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng hơn 15%/năm, đứng tốp đầu của cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 28.650 tỷ đồng, chiếm 38,5% cơ cấu GRDP của tỉnh.
Về chương trình OCOP, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, Thanh Hóa hiện có 522 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm: 464 sản phẩm hạng 3 sao; 57 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm 5 sao của 360 chủ thể OCOP và đang đề nghị công nhận 4 sản phẩm OCOP 5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành; chè lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc..., đồng thời liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: QH) |
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng 112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp gần 572.000 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu cho Nhân dân toàn trên địa bàn tỉnh. Hiện có 60 doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đang tham gia cung ứng, phân phối nông sản thực phẩm an toàn ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và đi vào nhiều kênh phân phối hiện đại.
Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm hàng hóa xứ Thanh hiện đang xuất khẩu sang 68 thị trường, với 55 chủng loại hàng hóa, với sự tham gia của 212 doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh đã thông tin về các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích của tỉnh đối với phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/ 2022 về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026; Nghị quyết số 248/2022/HĐND, ngày 13/7/2022 về Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn.
Các cơ chế, chính sách đột phá cùng những cách làm năng động, sáng tạo; sự quyết liệt trong quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành đang tạo nên môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng năng động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, phân phối hàng hóa trên thị trường.
Cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và giới thiệu sản phẩm, năng lực sản xuất, quy mô sản xuất; tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khả năng cung và nhu cầu tiêu thụ, liên kết, hợp tác kinh doanh.
Ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) kỳ vọng hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp đã và đang sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng vật tư, nguyên vật liệu ngành dệt may. (Ảnh: QH) |
Các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sản xuất, thương mại, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tăng cường kết nối tiêu thụ và đưa ra các giải pháp thiết thực, phù hợp, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa giữa các địa phương trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Dung, Tổng giám đốc Công ty CP Xúc tiến Thương mại và Đầu tư quốc tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QH) |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá cao sự đa dạng, phong phú cũng như những đột phá về sản phẩm hàng hóa tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là những sản phẩm trên lĩnh vực công nghiệp, tiêu thụ nội địa. Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đề nghị trên cơ sở lợi thế về sản phẩm, về giao thông, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm nhiều hơn các hoạt động kết nối, xúc tiến, thiết lập các kênh phân phối, hợp tác theo hướng liên kết vùng. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy những chính sách ưu đãi tốt đối với hoạt động vận tải tại Cảng Nghi Sơn để triển khai kêu gọi, kết nối, phát triển dịch vụ logistics xứng tầm với tiềm năng, lợi thế nơi đây.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QH) |
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ thêm, hiện nay các sản phẩm của chúng ta đã đạt được những chất lượng nhất định, tuy nhiên quy mô chưa được lớn và số lượng chưa ổn định, ví dụ như sản phẩm OCOP để xuất khẩu thì còn phải tính toán rất nhiều.
“Hội nghị hôm nay là một công đoạn rất quan trọng đó kết nối, là logistics. Nếu không có công đoạn này thì chúng ta không thể lưu thông được hàng hóa. Các doanh nghiệp phải liên kết, liên kết vùng với nhau thì mới có thể phát triển được”, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoài Châu, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu Sukha Việt Nam ký kết hợp tác cùng ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Medic Pharma. (Ảnh: QH) |
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ Ký kết biên bản hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp khu vực phía Bắc. Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp tìm kiếm được cơ hội đầu tư, tìm kiếm được đối tác tin cậy và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp mình.