CôngThương - Tại Đông Nam Á, khoảng 1,5 triệu hecta trồng lúa ở Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào đã bị mất trắng hoặc đứng trước nguy cơ mất trắng trong đợt lụt lội được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Riêng Thái Lan - nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới - đã mất vụ lúa gieo trên 1 triệu hecta (chiếm 1/10 tổng diện tích). Việt Nam bị ngập 99.000ha lúa, Campuchia mất 330.000ha và Lào mất 60.000ha
Chính phủ Thái Lan đang thực thi chính sách mới về thu mua lúa giá cao cho nông dân. Ấn Độ xuất kho 2 triệu tấn gạo. Những động thái này cho thấy, việc thu mua, dự trữ, ký kết đơn hàng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.
Về thị trường của gạo Việt Nam, hiện nay Philippin đã rời vị trí hàng đầu xuống thứ hai trong số các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, do lượng xuất khẩu giảm 38,8% và kim ngạch chỉ bằng gần nửa cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Inđônêxia đang tăng trưởng mạnh, vượt qua Philippin trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam . Ngoài ra, các thị trường khác như Malaixia cũng tăng gấp hơn 2 lần và Trung Quốc tăng gấp hơn 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Để bù vào sự sụt giảm của thị trường Philippin, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới như Bănglađet, Xênêgan, Bờ Biển Ngà và Gana. Như vậy, khả năng cung ứng gạo cũng như thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bài toán hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường thế giới để đảm bảo lợi nhuận cao.
Giới kinh doanh và xuất khẩu gạo trong nước đang nhìn về Thái Lan, bởi từ ngày 7-10 đến tháng 2 năm sau, chính phủ Thái Lan nâng giá mua gạo của nông dân Thái lên 15.000 baht/tấn gạo thường và 20.000 baht/tấn gạo thơm. Do vậy, giá xuất khẩu phải từ 750 - 800 USD/tấn trở lên sẽ làm thị trường gạo thế giới biến động. Theo TTXVN tại Băng Cốc, một số giới phân tích nhận định rằng chính sách về thóc gạo của chính phủ mới do bà Yingluck đứng đầu áp dụng trở lại kế hoạch thu mua thóc gạo với giá cao hơn mức giá trên thị trường có thể sẽ đẩy Thái lan bỏ mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo số một thế giới.Trước đó,theo Nhật báo Bưu điện Băng cốc, dẫn lời cựu Phó Thủ tướng và nguyên là Bộ trưởng Tài chính Thái lanPridiyathom Devakula, đã nói rằng có khả năng “ Việt Nam sẽ vượt Thái lan lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới vào năm 2012”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới nhận định lượng thóc gạo trữ trong kho của các nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới như Mỹ, Việt Nam và Pakixtan hiện là khá thấp, mặc dù giá lương thực có thể tăng lên nhưng nhu cầu tiêu thụ gạo trên đầu người, nhất là tại các nền kinh tế đang nổi lên, sẽ giảm dần do các gia đình khá giả có xu hướng chuyển sang dùng các loại lương thực khác. AFP dẫn lời bà Margareta Wahlstrom, phụ trách giảm nhẹ thảm họa của Liên Hiệp Quốc, cho hay tình hình sẽ khiến người dân rất vất vả để trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Trước những quan ngại đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên, chỉ ký hợp đồng bán gạo khi có đủ 100% chân hàng trong kho, nhưng điều quan trọng, chưa nên vội vàng ký hợp đồng bán gạo giai đoạn nhạy cảm này. Bởi, giá gạo thị trường thế giới từ nay đến cuối năm và cả những tháng đầu năm 2012 vẫn ở mức cao.
Một thành viên của VFA, ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, còn mạnh dạn đề xuất ngành lúa gạo Việt Nam cần phải được xác lập lại vị trí của mình. Lợi nhuận của người nông dân cần được coi là mục tiêu số một, sau đó mới đến an ninh lương thực và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu
Tình hình hiện nay có lợi đối với người trồng lúa. Hai vụ đông xuân và hè thu vừa qua, người dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lời khá cao, trên 80% so với chỉ đạo của Thủ tướng đảm bảo bà con lời 30% trở lên. Nhưng điều này lại gây lo ngại khác, giá lúa gạo xuất khẩu cao tác động lại giá gạo trong nước. Trong khi việc xuất khẩu vẫn diễn ra theo tiến độ, dự kiến đạt 7 triệu tấn gạo vào cuối năm. Hơn nữa, thông tin sai lệch từ nước ngoài nói Indonesia vừa mua thêm gạo Việt Nam thay thế lượng gạo Thái Lan hủy bỏ (thực tế Việt Nam chưa ký tiếp), càng khiến giá gạo trong nước biến động.
Mặc dù vậy,Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết hiện nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp rất lớn (khoảng gần 1,5 triệu tấn), đủ khả năng giải quyết thị trường gạo trong nước nếu có bất ổn và đủ gối đầu cho xuất khẩu vào những tháng đầu năm 2012, không thể xảy ra sốt ảo giá gạo như năm 2008.
Thái lan và Việt Nam hiện nắm giữ 30% và 20% thị phần thóc gạo buôn bán trên thế giới. Số liệu thông kê cho thấy Thái lan sẽ xuất khẩu trên 10 triệu tấn gạo năm nay,so với 9,05 triệu tấn gạo năm 2010. Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt 5,32 triệu tấn. Dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn trong cả năm 2011.
Bà Margareta Wahlstrom, người đứng đầu bộ phận giảm thiểu thiệt hại thiên tai của Liên Hợp Quốc, cho biết Châu Á hiện đang phải đối mặt với việc gia tăng giá lương thực vì mùa màng đến vụ thu hoạch bị tàn phá, gây thiệt hại rất nặng nề cho các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, người dân nơi đây cũng cần có thời gian để ổn định cuộc sống thường nhật như trước đây.