Nhiều mặt hàng dệt may Việt Nam đã xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu |
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - tham gia RCEP, Việt Nam có thêm một thị trường có tính chiến lược ở khu vực châu Á. Dệt may Việt Nam cũng sẽ tận dụng được 3 lợi ích lớn: Chi phí vận chuyển trong khối sẽ giảm hơn rất nhiều so với việc XK sang Hoa Kỳ hoặc các thị trường trong khối EU; giúp doanh nghiệp thích ứng về nguồn cung nguyên phụ liệu, tạo ra khoảng thị trường rộng lớn; văn hóa tương đồng giữa các nước sẽ giúp việc đàm phán và ký kết hiệp định nhanh hơn, cũng như tạo động lực thu hút đầu tư trong khối.
Trước lo ngại về cạnh tranh, lãnh đạo Vitas cho rằng: Không quan ngại, bởi Việt Nam hiện đang XK bình quân từ 1,8-2 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm sang Trung Quốc. Việc Ấn Độ tham gia RCEP là lợi thế do Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ, khi có RCEP, những điều khoản trong hiệp định sẽ giúp dệt may Việt Nam vào thị trường này dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp quan tâm là phòng vệ và rào cản thương mại. Đây được cho là "vũ khí" đặc biệt hữu hiệu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia, cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động XK của doanh nghiệp. Đơn cử, trong 3 năm (2014 - 2016), Việt Nam XK rất nhiều sản phẩm sơ màu vào Thổ Nhĩ Kỳ và sơ xợi sang Ấn Độ. Tuy nhiên thời gian gần đây, các quốc gia này đã đưa ra một số rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật hoặc chống bán phá giá nhằm hạn chế.
Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Đức Giang đề xuất: Bộ Công Thương cần sớm nghiên cứu các giải pháp hoặc rào cản về kỹ thuật nhằm phòng vệ một cách chính đáng với các sản phẩm của nước ngoài đang có dấu hiệu bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Với ngành dệt may, khi gặp các rào cản kỹ thuật, cần nhanh chóng tìm giải pháp chuyển đổi sang những thị trường có điều kiện tốt hơn. Việc phòng vệ là giải pháp của cơ quan nhà nước, còn với các doanh nghiệp, phải chuyển dịch cơ cấu ngay để không bị phụ thuộc vào một thị trường.
Cũng theo ông Giang, trong 3 năm gần đây, trong lĩnh vực may mặc cũng đã có một số doanh nghiệp XK bằng thương hiệu, như: May 10, Việt Tiến... Đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp ngành dệt may tự tin khi tham gia và tận dụng được RCEP.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Trong 2 tháng đầu năm 2017, dệt may Việt Nam đã XK 4,3 tỷ USD, tăng 13,58% so với cùng kỳ, nhập khẩu khoảng 2,4 tỷ USD. Với 50% thặng dư đạt được, ngành dệt may đã thể hiện bước tiến cũng như hiệu quả của chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng XK. |