Đại dịch thúc đẩy các nhà bán lẻ Việt Nam tiến vào hành trình chuyển đổi số Kết nối cung cầu, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền |
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%). Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại dịch vụ.
Ngành bán lẻ đứng trước cơ hội tăng trưởng hậu Covid-19 |
Với ngành bán lẻ, theo báo cáo nghiên cứu của VinCapital, các biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt đã được áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh trong hơn 3 tháng, trong đó có thời điểm người dân “ở nhà” trong một tháng. Đây là mức giãn cách nghiêm ngặt nhất tại Đông Nam Á.
Do vậy, các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam gần như phải đóng cửa khoảng 60-80% lượng cửa hàng hiện hữu. VinaCapital dẫn chứng PNJ đóng 336 cửa hàng trang sức, Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đóng 2.712 cửa hàng điện máy, FPT Retail tạm dừng 625 cửa hàng điện thoại… và được kỳ vọng mở lại từ tháng 11.
Ngược lại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc vẫn mở cửa thường xuyên trong thời gian giãn cách như 949 cửa hàng Bách Hóa Xanh (thuộc MWG) hay 268 nhà thuốc Long Châu (thuộc FPT Retail).
“Doanh thu của MWG có lẽ đã giảm thêm 10% nếu như không có đóng góp lớn của Bách Hóa Xanh. Trong khi Long Châu tăng mạnh trong năm nay cũng giúp nâng mức tăng trưởng bình quân của ngành bán lẻ. Do vậy chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành bán lẻ trong năm 2022 từ mức cao của năm 2021”, VinaCapital lý giải.
Ngoài ra các công ty bán lẻ cũng hưởng lợi khi khách hàng buộc phải áp dụng đặt hàng online và giúp tăng triển vọng ngành thương mại điện tử. Trước Covid-19, tỷ trọng mua hàng tạp hóa ở các chuỗi bán lẻ hiện đại chưa đến 10%, do người vẫn ưa thích mua sắm tại chợ truyền thống.
VinaCapital dự báo các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ tăng thêm doanh thu khi nền kinh tế mở cửa trở lại do nhu cầu bị dồn nén. Đơn cử như nhiều người trẻ phải hoãn đám cưới vì Covid-19 sang năm sau, do đó doanh thu PNJ được kỳ vọng tăng thêm 5%. Trong khi các nhà bán lẻ điện tử vẫn duy trì được một phần doanh số bán hàng nhờ kênh online trong năm nay, dẫn đến triển vọng về doanh thu bị dồn nén thấp hơn so với mặt hàng trang sức.
Các quốc gia trên thế giới cũng chứng kiến sự bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn bị dồn nén ở hầu hết sản phẩm. Dù vậy triển vọng phục hồi ở Việt Nam khó bùng nổ vì tích lũy của người dân chưa đủ lớn để giải phóng nhu cầu khi mở cửa trở lại.
“Người tiêu dùng Việt Nam cũng tích trữ sản phẩm thiết yếu trước khi giãn cách xã hội. Doanh số các sản phẩm sữa và thực phẩm đóng gói tăng khoảng 2-3% trong năm nay, mức thấp do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Tăng trưởng doanh số các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu lại tăng vọt 7% trước khi áp dụng các biện pháp thắt chặt và sẽ giảm dần về cuối năm nay”, VinaCapital phân tích.
Về hình thức bán lẻ được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường, trước đó, Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ rõ: “Trong đại dịch Covid-19, thị trường đã chứng kiến xu hướng dịch chuyển từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ sang các siêu thị mini. Mặc dù các kênh bán hàng truyền thống sẽ không thể bị thay thế, nhưng xu hướng hiện đại hóa này sẽ còn tồn tại trong tương lai khi kỳ vọng của khách hàng cho tiêu dùng ngày càng tăng”. Thực tế, không chờ đến đại dịch mà các kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn trong nhiều năm gần đây và đại dịch là chất xúc tác để mô hình bán lẻ này phủ sóng rộng hơn đến người tiêu dùng. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đa dạng hơn mô hình phân phối, chiếm lĩnh tốt hơn lòng tin người tiêu dùng khi đại dịch được kiểm soát.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)