Mới đây, Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt đã bị phát hiện tự thiết kế mẫu C/O, điền thông tin về các lô hàng XK để phát hành C/O trong khi công ty không được phép thực hiện chức năng này. 33 đơn vị được Đại Minh Việt cấp C/O đều là những DN NK hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn “xuất xứ Việt Nam”.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ. Cụ thể, đã thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng, chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; hợp tác với cơ quan có thẩm quyền nước NK kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa XK của Việt Nam; khuyến cáo cộng đồng DN trong nước chủ động tìm hiểu, tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hành vi chuyển tải hàng hóa, gian lận thương mại.
Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Cơ chế chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa XK, quy định tạm dừng ưu đãi và không cho hưởng ưu đãi thuế quan của hiệp định… là những nội dung được thảo luận sôi nổi. Cán bộ cấp C/O tại các địa phương cũng được thực hành xử lý những tình huống giả định có thể xảy ra trong quá trình cấp theo EVFTA.
Những giải pháp nhằm tăng sự hiểu biết cũng như kiểm soát hoạt động cấp C/O được tổ chức liên tục cho thấy, Bộ Công Thương nhận thức rất rõ tầm quan trọng của chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong XK. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc cấp C/O chính là “cửa chặn” cuối cùng để hàng hóa “mượn” xuất xứ Việt Nam ra khỏi lãnh thổ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi một số FTA thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực, dự kiến mang lại lợi thế đáng kể cho hàng hóa XK của Việt Nam. Do vậy, gia tăng hoạt động kiểm soát và biện pháp xử lý là điều cần thiết.
Sự chênh lệch giữa thuế quan ưu đãi và không ưu đãi theo cam kết từ các FTA quá hấp dẫn, khiến việc làm giả C/O đã từng xảy ra và dự báo sẽ gia tăng với nhiều thủ đoạn phức tạp. |