CƠ CHẾ EPR: Mở rộng hợp tác đa bên Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý rác thải Chiều 24/6: Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm thực hiện EPR |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Cổ phần (CP) Nhựa tái chế Duy Tân (Duytan Recycling) - xung quanh vấn đề này.
Với công suất 60.000 tấn/năm, tương đương với hơn 4 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm, rác thải nhựa được công ty thu gom qua những kênh nào để đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, thưa ông?
Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Ảnh: Cấn Dũng) |
Trung bình mỗi ngày, Nhựa tái chế Duy Tân thu gom khoảng 180 tấn chai nhựa đã qua sử dụng, tương đương khoảng 10 triệu chai nhựa/ngày. Với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể tái chế được những chai nhựa đã qua sử dụng thành hạt nhựa và điểm đặc biệt là những hạt nhựa đó có thể thổi lên thành cái chai có thể tái chế lại. Chúng tôi gọi đó là tái sinh chai nhựa, chai nhựa được hồi sinh và cấp một vòng đời mới. Vòng hồi sinh này có thể lặp lại rất nhiều lần với kỹ thuật, công nghệ của ngành tái chế nhựa hiện đại trên thế giới và hiện nay đang có mặt ở Việt Nam.
Là thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Duytan Recycling tham gia PRO ngay từ những ngày đầu tiên và đã có những hoạt động thu gom, tái chế nhựa. Qua đó, góp phần nhỏ vào mảng tái chế nhựa cho "bức tranh" tổng thể chung của hoạt động EPR tại Việt Nam.
Theo ông, đâu là khó khăn của Duytan Recycling trong việc thu gom số lượng lớn và ổn định các chai nhựa thải bỏ, cũng như cơ hội và rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải?
Chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị tiên phong ở Việt Nam thu gom rác thải với các chai nhựa và đầu ra có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện, tỷ trọng xuất khẩu chai nhựa tái sinh của Duytan Recycling sang thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 60%. Lý do Duytan Recycling xuất khẩu nhiều bởi vì trong nước, chúng tôi chưa có đầu ra. Những năm đầu tiên (năm 2021), Duytan Recycling triển khai tái chế chai nhựa, Việt Nam chưa triển khai EPR, nên chúng tôi phải xuất khẩu. Nhưng sắp tới, với cơ chế EPR, Duytan Recycling kỳ vọng có thể cung cấp được cho thị trường trong nước.
Về thuận lợi, khi có EPR, nhiều đối tác sẽ quan tâm đến sản phẩm tái chế của Duytan Recycling. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào. Mỗi ngày, Duytan Recycling thu gom 180 tấn, tuy nhiên, hiện nay, rác ở Việt Nam chưa được phân loại đúng cách. Vì thế, rác thải không chỉ nhựa mà cả rất nhiều các tạp chất khác, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao trong tái chế. Ước tính, 100 tấn chai nhựa thu gom tái chế, Duytan Recycling chỉ tái chế thành ra được 65 - 70 tấn (tương đương 65 - 70%) là “Bottle-to-Bottle”, còn lại chúng tôi phải chuyển xuống thành những sản phẩm thứ cấp. Điều này sẽ không nâng cao được giá trị của sản phẩm và không tạo ra được vòng tuần hoàn cho sản phẩm đó.
Các chương trình truyền thông sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và DN (Ảnh: Cấn Dũng) |
Những chương trình truyền thông sẽ rất tốt để người tiêu dùng nhận thức được sử dụng sản phẩm từ chai “Bottle-to-Bottle” sẽ tốt cho môi trường và sự phát triển bền vững của quốc gia. Qua đó, ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ tái chế. Thực tế, những đơn vị tiên phong như Coca-cola hay La Vie sử dụng sản phẩm tái chế, giá thành cao hơn sản phẩm nguyên sinh, nhưng vì môi trường và cam kết đồng hành vì tương lai phát triển bền vững và Việt Nam xanh - sạch - đẹp, cần mọi người đồng hành. Bản thân tôi đánh giá rất cao những hành động này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Vậy theo ông, doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội gì từ việc thực thi EPR?
Tái chế là xu hướng tương lai, phát triển bền vững. Tuy nhiên, tiếp cận như thế nào, được hỗ trợ ra sao, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn của Văn phòng EPR Quốc gia cho đơn vị thực hành tái chế - những đơn vị được ủy quyền tái chế tại Việt Nam.
Chúng tôi cần có sự chung tay ủng hộ đầu ra để làm tốt trách nhiệm thực hiện phần thu gom và công nghệ tái chế, làm sao các sản phẩm đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm để áp dụng cho các sản phẩm như của Coca-Cola...
Với PRO Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng những chương trình thu gom, những chương trình làm sao tạo ra quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nâng cao tầm vóc cho lực lượng chính trong thu gom, đó là lực lượng phi chính thức (lực lượng đồng nát). Đồng thời, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những tham vấn trong các vấn đề liên quan đến EPR, hướng tới Việt Nam ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.
Vậy, Duytan Recycling có những giải pháp, khuyến nghị gì giúp tăng cường các bên liên quan trong thực thi EPR?
Trong chuỗi giá trị, đầu ra có, chúng tôi mới tái chế nhiều, thu gom nhiều và chuỗi giá trị này mới chuyển động, có nhiều người tham gia. Cơ chế EPR khuyến khích từ khâu thiết kế, khuyến khích tiêu dùng chai tái chế. Đơn cử, những chai trên kệ siêu thị ở Mỹ, châu Âu ghi rõ bao nhiêu % là tái chế. Những chai có tỷ lệ tái chế cao được ưu tiên đặt ở những kệ cao hơn, vị trí bắt mắt hơn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc tái chế hơn. Cùng với đó, giáo dục, tuyên truyền sử dụng sản phẩm tái chế là tốt cho quốc gia và môi trường...
100 tấn chai nhựa thu gom tái chế, Duytan Recycling chỉ tái chế thành ra được 65 - 70 tấn là “Bottle-to-Bottle” (Ảnh: Phi Vân) |
Trong điều kiện giá thành sản phẩm tái chế còn cao hơn sản phẩm nguyên sinh, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tái chế rất do dự. Thậm chí, một số hãng thực hành tốt, sử dụng các sản phẩm tái chế nhưng không ghi lên sản phẩm vì sợ người tiêu dùng phản ứng, không biết sản phẩm có tốt hay không, có được Bộ Y tế xác nhận chưa?
Do vậy, chúng ta cần giải quyết tất cả điều đó để việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tái chế trở thành một thói quen tốt, thực hành tốt. Nhờ đó, mọi người đồng hành, ủng hộ và cùng có lợi ích, khi đó, chuỗi tuần hoàn sẽ diễn ra tự nhiên.
Xin cảm ơn ông!