Đại biểu Quốc hội: “Nhiều đại án làm chúng ta không khỏi giật mình vì thất thoát quá lớn” Đại biểu Quốc hội: “Nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát” |
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội trong sáng 31/10 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân - đoàn Bình Dương cho rằng, nếu xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đơn thuần là việc đối chiếu, soi rọi các định mức tiêu chuẩn có phù hợp với quy định hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách pháp luật, kể cả báo cáo chưa đề cập và khó mà đo đếm được.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân – đoàn Bình Dương |
Bày tỏ sự đồng thuận một phần nào về những tồn tại, hạn chế trong quản lý sử dụng lao động, thời gian lao động, nhưng với đánh giá nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, ông Nhân cho rằng nhận định này chưa lấy thực tế làm thước đo.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân chỉ ra, mặc dù sau 7 năm "đại phẫu" biên chế nhưng TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn dôi dư 5.700 người và là địa phương xếp thứ 4 sau Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định về tỷ lệ người dân/cán bộ cao nhất nước.
Đáng chú ý, 5.700 trường hợp dôi dư, chưa được công nhận nêu trên đã cùng hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua.
"Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của thành phố, lẫn cả các địa phương phát triển hay chưa? Rõ ràng với cơ chế chưa phù hợp thì TP. Hồ Chí Minh hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí? Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục thể chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách, chật chội?", vị đại biểu này bày tỏ quan ngại.
Tại Bình Dương, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho biết, địa phương đang rất cần nguồn lực tài chính để xây dựng các khung chiến lược mới, nâng cấp hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức lại không gian phát triển theo Nghị quyết 138 của Chính phủ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tìm nguồn lực tài chính ở đâu khi mà tỷ lệ điều tiết ngân sách đang từ 40% xuống 36% và nay chỉ còn 33%.
Ở góc nhìn khác, đại biểu cho rằng nếu như cả nước hiện có gần 1.200km đường cao tốc thì vì sao Đông Nam bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của quốc gia lại chỉ mới có 122km?
"Rõ ràng cơ chế chính sách chưa phù hợp, cộng với việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng đã làm cho vùng Đông Nam bộ nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng dù nhiều điều kiện cơ hội tạo dự địa để tăng trưởng nhiều hơn nhưng đang cạn dần nguồn lực để tăng trưởng. Vậy, hình thức lãng phí cơ hội tăng trưởng này có cần được nhận diện hay không?", đại biểu nhìn nhận.
Theo vị đại biểu này, nếu việc chậm ban hành các cơ chế chính sách được xem là sự lãng phí về cơ hội, thời cơ phát triển, thì lãng phí này lớn hơn rất nhiều lần các con số có thể định lượng và thậm chí kéo lùi sự phát triển.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng dẫn lời Tổng Bí thư về việc xử cán bộ sai phạm là "Rất đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác. Tất cả vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân". Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để có được một cán bộ cấp cao, chúng ta không thể cân đong được số tiền, định lượng được công sức mà Nhà nước và xã hội bỏ ra để đào tạo.
Theo đại biểu, cơ chế chính sách hiện hành đã thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ, công chức khỏi "thấm nhiễm" những cám dỗ của vật chất, để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng và đúng ngay từ đầu. Tuy vậy, dù đã xây dựng được Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng các chính sách xoay quanh nó chưa đủ mạnh để cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương và để họ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.
"Lẽ dĩ nhiên phẩm chất đạo đức được hình thành trong giai đoạn giáo dục của gia đình và nhà trường để con người đủ sức đề kháng trước thói hư tật xấu, nhưng nếu giáo dục chưa đủ mạnh để nuôi cấy vào tâm thức những giá trị cao đẹp thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế", đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương nhanh chóng thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đã giao và thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát; đồng thời sớm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Việc tháo bung các nguồn lực tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc không lãng phí thời cơ phát triển, thậm chí còn tiết kiệm được thời gian trên con đường đi đến thịnh vượng", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.