Vườn quốc gia Xuân Thủy được đề cử vườn di sản ASEAN
Trước đó, ngày 31/12/2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 130/TTr-BTNMT về việc đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định là Vườn di sản ASEAN.
Theo đó, Chính phủ đồng ý thông qua chủ trương đề cử Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định như đề nghị của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định, các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo trong quá trình đề nghị công nhận Vườn di sản ASEAN đối với Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định đảm bảo tuân thủ đúng các quy định; hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Vườn quốc gia Xuân Thủy được Chính phủ đề cử Vườn di sản ASEAN. Ảnh minh họa |
Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha; trong đó vùng lõi với 7.000ha, vùng đệm khoảng 8.000ha, nằm trên địa bàn 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.
Tháng 1/1989, Vườn quốc gia Xuân Thủy chính thức công nhận gia nhập Công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi di trú của những loài chim nước). Sau khi gia nhập Công ước Ramsar, vùng đất ngập nước Xuân Thủy trở thành là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới và là điểm Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và độc nhất của Việt Nam trong suốt 16 năm từ năm 1989 - 2005 (năm 2005, Việt Nam có khu Ramsar thứ 2 là khu Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên tỉnh Đồng Nai).
Tháng 10/2004, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng quan trọng số 1 của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của vườn quốc gia này.
Vườn quốc gia Xuân Thủy là nơi sinh sống, trú ngụ của 1.656 loài động, thực vật, trong đó có 1 loài thực vật, 2 loài thú, 8 loài cá, 8 loài bò sát, 32 loài chim, 1 loài sam biển trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2022). Đây cũng là một trong 6 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á.
Vườn quốc gia Xuân Thủy được thành lập nhằm mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn mẫu chuẩn điển hình hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thủy sản, loài chim nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực.