Tỉnh táo trước lời mời chào lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 Bộ Y tế và Meta phối hợp tổ chức tọa đàm số 2 về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 |
Theo Bộ Y tế, tiêm mũi nhắc vắc xin phòng Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong Covid-19.
Còn nhiều khó khăn trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 |
Kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 -19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2.
Tại Pháp, kết quả một số nghiên cứu cho thấy, nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%. Còn tại Hoa Kỳ, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Vì vậy Bộ Y tế khẳng định, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3).
PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - chia sẻ: Người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
“Nhờ kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, song hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương”, PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua, với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện, nặng và tử vong.
Mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước hiện nay đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do Covid-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu Covid-19.
GS - TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – thông tin: Hiện nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4). Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc xin Covid-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân.
Tuy nhiên đến nay số người đã tiêm nhắc lần 2 - mũi 4 trên toàn quốc chỉ hơn 2,8 triệu người. Đáng nói, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vắc xin Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh.
Song tính đến ngày 26/6/2022, cả nước mới có hơn 5,6 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 và hơn 1,7 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn.
Bộ Y tế cho biết, phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.