4 tác động tới nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ban hành các quyết định về giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 19/6 tới đây. Trong lần điều chỉnh này, mức giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,5 điểm %.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Hạ lãi suất điều hành sẽ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp |
Nêu quan điểm về lần giảm lãi suất này, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt; đồng thời các ngân hàng có thêm dư địa tiết giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Như vậy, gánh nặng về lãi vay, khả năng tiếp cận tín dụng,... của các doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại.
Nhấn mạnh rằng lần giảm lãi suất điều hành này có điểm đặc biệt, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh nêu rõ: Trần lãi suất huy động chỉ giảm 0,25%, tức là từ 5%/năm xuống 4,75%/năm thay vì mức giảm 0,5% như các mức lãi tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu...
“Tôi cho rằng, mức lãi suất huy động có vai trò rất quan trọng vì chúng ta sẽ phải đảm bảo chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa tài sản bằng nội tệ với tài sản bằng ngoại tệ để tránh áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối. Như vậy, việc chúng ta đưa ra trần lãi suất huy động như vậy đã đủ mức lãi suất hấp dẫn đối với tài sản bằng VND. Từ đó giảm tình trạng đô la hóa, giảm áp lực về cầu ngoại tệ cho thị trường ngoại hối” - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho hay.
Trong khi đó, đánh giá về động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, có 4 tác động của việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đối với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Một là, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng; qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các tổ chức tín dụng.
Hai là, lãi suất giảm đối với cả nợ cũ và vay mới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới gồm vay nợ, phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Ba là, động thái chính sách này tiếp tục cho thấy thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới.
Bốn là, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản khi mà nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn...
“Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư vì đầu tư chứng khoán, bất động sản rủi ro hơn so với gửi tiền tiết kiệm” - TS. Lực nhấn mạnh.
Tiềm ẩn một số rủi ro trong tương lai
Với 4 lần giảm lãi suất liên tiếp, một số chuyên gia cho rằng, dự địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm vẫn còn. Theo ước tính của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm khoảng 0,5 điểm % cho từ giờ đến cuối năm.
Dự địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm vẫn còn |
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng nhà quản lý tiền tệ sẽ giảm “kịch khung” 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành, thay vào đó việc quyết định giảm thêm bao nhiêu % sẽ căn cứ vào rất nhiều yếu tố để Ngân hàng Nhà nước điều hành một cách linh hoạt, chủ động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là liều thuốc “trợ lực” cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, giảm lãi suất điều hành liên tục cũng tiềm ẩn một số rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như đảo chiều dòng vốn. Do đó, giảm lãi suất không phải là tất cả.
“Trong một nền kinh tế, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải như ‘hai cánh kéo’, cả hai cùng kéo mới tạo ra hiệu quả. Hiện nay, có thể nhận thấy chỉ có chính sách tiền tệ có sự năng động thực thi các chính sách kích thích kinh tế, còn chính sách tài khóa đang không thực hiện đúng vai trò. Điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất có giảm sâu mà doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu thì họ cũng không vay vốn” - chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích.
Để chính sách trên tiếp tục phát huy tác dụng, giảm độ trễ, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu có năm kiến nghị.
Một là, tuy không chủ quan nhưng cũng không quá quan ngại với lạm phát. Áp lực lạm phát của Việt Nam vẫn còn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế - giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn…
Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá quan ngại lạm phát năm nay do lạm phát và giá cả toàn cầu đang giảm, tỷ giá ổn định, sức cầu còn yếu, vòng quay tiền còn chậm. Dự báo CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%. Mặc dù vậy, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hai là, theo sát tình hình thị trường tài chính quốc tế, nhất là đối với thị trường tài chính - tiền tệ, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương các nước lớn, để phân tích, dự báo và đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính trong nước, cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro hệ thống ngân hàng, chứng khoán.
Ba là, đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Bốn là, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh , hỗ trợ cả chi phí đầu vào thông qua các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí đang tiến hành và mở rộng, nếu cần, và hỗ trợ đầu ra như đa dạng hóa, tìm kiếm thị trường, đối tác, đơn hàng… Quan trọng hơn là có giải pháp cụ thể tăng hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy hành chính; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nhất là về thủ tục hành chính, pháp lý… trong các lĩnh vực như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu, thông quan, tiếp cận điện, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… “Đây chính là các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, người dân giảm khó khăn, thách thức và cũng là kích cầu đầu tư, tiêu dùng và tín dụng trong thời gian tới” - TS. Lực nói.
Cuối cùng là, bản thân các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro nhất là rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, pháp lý… Qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.