Hà Nội: Cây xanh bật gốc sau bão, lộ ra nhiều ‘chuyện lạ’ Cây xanh Hà Nội bị gãy đổ sẽ về đâu sau siêu bão? Những con phố đẹp nhất Hà Nội tan hoang sau bão số 3 |
Bão số 3 (siêu bão Yagi) đã đi qua, để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... Riêng tại Hà Nội, theo thống kê, tính đến sáng hôm qua 8/9, đã có 4 người tử vong, 17 người bị thương.
Đặc biệt, mưa kèm gió lớn đã làm 25.156 cây đổ và cành gãy, tập trung nhiều ở các địa bàn các quận Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm…
Điều đáng nói, sau khi bão qua đi, hình ảnh những cây xanh bị đổ ngã, để lộ những gốc cây còn nguyên phần bọc bầu, thậm chí một số cây còn không có bầu đất và rất ít rễ.
Cây xanh gãy đổ do bão ở Hà Nội vẫn còn nguyên bọc bầu (Ảnh: Khánh An) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Đặng Tiến Dũng – Tiến sĩ Khoa học cây trồng, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết:
Cây xanh đô thị thường được phân loại là cây công trình, thường là cây có chiều cao 3 m trở lên, đường kính thân từ 12 cm trở lên và có 2 loại cây đó là cây 1 lá mầm và cây 2 lá mầm tùy vào đặc chủng từng cây cây lấy nguồn từ trong nước từ vườn ươm cây khu đồng bằng hay miền núi và cây nhập ngoại.
Về mặt kỹ thuật trồng cây xanh đô thị và cây xanh chung thì gần là như nhau, mục đích chính là làm sao bằng mọi cách nào đó để trồng cho cây sống sinh trưởng và phát triển tốt… Cây trồng trên đất có chất dinh dưỡng, độ ẩm, che chắn chống đỡ tốt cho cây thì cây bén rễ sinh trưởng và phát triển ngay và ngược lại….
Tuy nhiên, cây xanh trồng đô thị thì khác vì cây trồng ở khu đô thị đa phần là đất kê lấp, gồm nhiều loại chất đất khác nhau (chủ yếu là cát). hơn nữa khu đô thị có các hố đã xây trước hoặc bên mé đường hay bên mé cống thoát nước ... rồi nhiệt độ môi trường khu đô thị, độ ẩm nước tưới…. ảnh hưởng đến môi trường sống của cây.
Ông Đặng Tiến Dũng – Tiến sĩ Khoa học cây trồng, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
“Như chúng ta đã thấy, cơn bão số 3 vừa qua được đánh giá là cơn bão mạnh có sức tàn phá khủng khiếp dẫn đến nhiều tài sản cũng như cây xanh trên đường phố Hà Nội bị gãy, đổ, bật gốc. Quan sát các hình ảnh thì ta thấy thường các loại cây bị bật gốc không phải là cây trồng từ hạt nguyên thủy mà chủ yếu là cây trồng đôn đảo. Do đó, cây có bộ rễ ăn trên bề mặt không có rễ cái rễ cọc bám sâu và cành lá nhiều và vị trí trồng cây, đất trồng cây chủ yếu là kê lấp. Khi gặp gió giật mạnh thì đương nhiên cây sẽ bị bật gốc và đổ.”, ông Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề một số cây sau khi bị bật gốc được phát hiện vẫn còn nguyên phần lưới bọc bầu của cây, đã có không ít người dân thắc mắc liệu việc vẫn giữ nguyên bọc bầu này có hợp lý trong việc sinh trưởng, phát triển của cây không. Với kinh nghiệm của một người có hàng chục năm hoạt động trong nghề trồng cây xanh, ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Toàn Phát, chia sẻ: “Riêng tất cả những cây trồng mới bắt buộc phải tháo và gỡ lưới ra mới được trồng và chống lại cho cây yên vị để phát triển rễ mới. Vì nếu không cắt bỏ lưới, rất có khả năng rễ non khi mọc ra chui qua lỗ của lưới dần to lên và sẽ bị thắt ngang không phát triển được. Điều này dẫn tới việc rễ không phát triển, khi lá và cành phát triển rậm rạp gặp những cơn gió to sẽ rất dễ bị đổ”.
Sau khi hàng loạt cây đổ, không ít những hoài nghi, băn khoăn về kỹ thuật trồng cây tại Hà Nội Ảnh: Thanh Minh |
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Đặng Tiến Dũng cho biết: “Có một số ý kiến cho rằng, giữ nguyên bọc bầu như vậy, cây sẽ sống. Tuy nhiên, theo tôi, phương pháp trên chỉ đúng với cây sẽ chỉ sống thời gian đầu và chủ yếu để thuận tiện cho việc vận chuyển. Về sau, cây bị bó bầu các loại khó phân hủy thì bộ rễ khó phát triển dẫn đến cây bị yếu dần dần sẽ chết hoặc bộ rễ cây bó bọc lại không bám ra xa được để giữ cho cây vững chãi dẫn đến khi bị tác động giống gió, bão,.. cây sẽ đổ”.
Theo ông Dũng, việc giữ bọc bầu khi trồng cây, nhất là khi áp dụng với những cây xanh to trên đường phố Hà Nội, là không đúng phương pháp.
“Cây gỗ để chắc thì phải có rễ cọc có tác dụng bám sâu vào lòng đất để giữ cây thẳng, rễ con thì hút dinh dưỡng rễ cọc thì chỉ có một rễ chính mà mọc từ đầu, khi đánh cây to chặt đi thì không mọc lại chỉ mọc rễ con để hút dinh dưỡng. Trồng cây to phải có “trụ đỡ”, Cây khỏe là cây có bộ rễ khỏe mạnh và cành lá cân đối, nếu cái “trụ đỡ” mà không phát triển được, không vững, việc cây đổ khi gặp gió, bão,... là điều có thể thấy trước.”
Việc cây trồng đổ hàng loạt sau bão Yagi đã để lại nhiều dấu hỏi về công tác trồng cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hoàn |
Hàng năm, Hà Nội chi ra hàng trăm tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, trong đó có việc trồng mới và cắt tỉa cây xanh. Những nỗ lực mà thành phố Hà Nội đang làm đã đem lại một đô thị văn minh, xanh, sạch đẹp, các tuyến phố khang trang… được người dân ghi nhận.
Tuy nhiên, có lẽ, việc lựa chọn phương pháp trồng cây phù hợp hay giám sát trong quá trình trồng cây vẫn chưa được chính quyền quan tâm, theo dõi một cách sát sao, chặt chẽ.
Phải chăng, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, rà soát nghiêm ngặt, nghiên cứu kỹ lưỡng trồng loại cây nào, trồng ra sao; cũng như vào cuộc rà soát, xử lý thật nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp nào nếu trồng cây không đảm bảo kỹ thuật để tránh những thiệt hại tiềm tàng xảy ra, không chỉ với tài sản, mà còn là cả tính mạng của người dân.