Sau khi chính thức đổ bộ vào Hà Nội ngày 7/9, sức tàn phá của siêu bão Yagi đã để lại thiệt hại nặng nề. Bên cạnh thiệt hại về người, siêu bão còn khiến 25.156 cây xanh ở Hà Nội đổ, gãy cành (số cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các khu vực Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm).
Hơn 24.800 cây xanh bị ảnh hưởng tại Hà Nội sau siêu bão Yagi. Ảnh: Trần Đình |
Sáng 9/9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, công tác xử lý cây xanh bị đổ để đảm bảo an toàn, trật tự giao thông đang được đội ngũ công nhân hoạt động với hơn 100% năng suất. Dù thời tiết oi bức, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn mưa nặng hạt cũng không thể nào làm giảm nhịp độ lao động của người công nhân.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Dương - Tổ trưởng Tổ 6, Xí nghiệp Quản lý Cắt sửa Cây xanh, Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội, đang chỉ đạo công nhân trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - cho biết: ''Tổ của chúng tôi gồm 10 người để chuẩn bị công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả trước và sau cơn bão số 3. Đến hôm nay là ngày thứ 4 làm cả ngày cả đêm để giải toả giao thông. Dù vậy, khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Nhiệm vụ chúng tôi là thu gọn cành lá và khắc phục những cây nguy hiểm đổ ra đường, nhà người dân''.
Ông Lê Huy Dương trả lời phỏng vấn Báo Công Thương. Ảnh: Trần Đình |
Theo kế hoạch xử lý những cây xanh bị đổ ông Lê Huy Dương chia sẻ, công nhân sẽ phân loại cây với tình trạng hư hại khác nhau. Đối với những cây đã bị mục thân, rỗng gốc, không có dấu hiệu của sự sống, toàn bộ cây bao gồm cả cành, lá, củi thân sẽ được thu dọn, tập kết về bãi có sẵn của Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội để nghiền nhỏ ra, phục vụ khâu xử lý tiếp theo đúng quy định. Bên cạnh đó, những cây bé có khả năng sinh trưởng trở lại sẽ được cắt tỉa bớt để dựng lên. Đối với những cây cổ thụ cần bảo tồn, cần phải có hướng đánh giá, xử lý nhằm ''cứu sống'' cây.
Đến ngày 9/9, Tổ của ông Lê Huy Dương vẫn duy trì năng suất lao động cả ngày lẫn đêm, chỉ tranh thủ nghỉ ngơi vài phút.
''Chúng tôi tranh thủ ăn luôn tại hiện trường do công ty chuẩn bị cả bữa trưa lẫn bữa tối. Khi bão xảy ra, kế hoạch trọng điểm là phải giải quyết tránh ùn tắc giao thông. Chúng tôi cũng không ưu tiên khu vực nào cả, phố nào cũng như phố nào. Ví dụ, xong phố Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi sẽ sang phố Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và nhiều tuyến phố khác, trên tinh thần xử lý công việc một cách linh động nhất có thể. Chỗ nào có cành gãy cây đổ thì phải khắc phục cho dù là ban đêm. Đến nay, thú thật là chưa có tuyến phố nào xử lý dứt điểm được, như đã đề cập ở trên, chúng tôi đang ưu tiên thông đường để đảm bảo giao thông trước'', ông Lê Huy Dương chia sẻ.
Tổ công tác của ông Lê Huy Dương đang thu dọn cây xanh ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. |
Bên cạnh đó, vị Tổ trưởng Tổ 6 của Xí nghiệp Quản lý Cắt sửa Cây xanh nêu rõ, công nhân không làm việc theo hướng chia ca vì tất cả mọi người đều làm hết công suất, xong điểm này thì đi điểm khác chứ không có thời gian nghỉ ngơi.
''Công nhân chúng tôi không nghĩ gì đến việc được thêm phụ cấp khi phải tăng ca, chỉ hướng về việc khắc phục việc cây đổ nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, công ty chắc chắn sẽ có những động thái để động viên công nhân yên tâm công tác'', ông Lê Huy Dương khẳng định.
Trên thực tế, tinh thần làm việc của những người công nhân vẫn đang đúng với chỉ đạo trong văn bản hỏa tốc của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Cụ thể, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường xã, thị trấn phối hợp cùng các đơn vị quản lý cây xanh tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy, đảm bảo an toàn giao thông.
Lực lượng chức năng hỗ trợ điều phối giao thông. Ảnh: Trần Đình |
Trước mắt, nhiệm vụ cần làm là phải thực hiện trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố xong trước ngày 12/9/2024. Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Trong khi đó, các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định, hoàn thành trước ngày 20/9/2024. Việc thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20/9/2024 và thực hiện thủ tục thanh lý theo quy định.