Việt Nam tăng 4 bậc về tự do kinh tế Thể chế kinh tế vẫn là động lực tăng trưởng những năm tới |
Theo báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới (EFW 2023) Viện Fraser (Canada) vừa công bố, Việt Nam đã tăng được 4 bậc. Vậy mức độ tự do kinh tế ở Việt Nam đã được cải thiện như thế nào?
- Các báo cáo EFW các năm qua cho thấy từ năm 2015 đến nay, mức độ tự do kinh tế của Việt Nam đã được cải thiện nhiều và thứ hạng tăng dần đều trong mấy năm gần đây. Theo báo cáo EFW 2023, Việt Nam xếp ở vị trí 106 trên 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với báo cáo EFW 2022 và tăng 23 bậc so với báo cáo EFW 2017.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, ảnh: VNF. |
EFW xem xét trên 5 chỉ số thành phần theo thang điểm 10. Theo EFW 2023 Việt Nam ghi nhận tăng điểm ở 4 trong 5 chỉ số đó. Trong đó:
Thứ nhất: Hệ thống pháp luật và quyền tài sản điểm số tăng từ 4,96 lên 5,15 điểm; Thứ hai: Tự do thương mại quốc tế từ 6,4 lên được 6,52 điểm; Thứ ba: Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh từ 6,08 lên 6,10 điểm. Thứ tư: Đồng tiền tốt từ 6,96 điểm được lên 7,02 điểm; Và duy nhất chỉ số thứ năm Quy mô chính phủ giảm điểm nhẹ từ 6,56 xuống 6,53 điểm.
Ông nhìn thấy gì từ sự thay đổi về EFW của Việt Nam?
- Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế, nhờ đó đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khoẻ mạnh hơn bao giờ hết, như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục năm sau cao hơn năm trước v.v.
Và từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã có xu hướng tăng hạng vững chắc chỉ số EFW. Xu hướng này phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường đầy đủ và hội nhập quốc tế.
Ngay cả khi đại dịch covid-19 diễn ra khốc liệt trên khắp toàn cầu, các chính sách kinh tế của Việt Nam về cơ bản cũng vẫn theo hướng thân thiện với thị trường. Các chính sách kinh tế thân thị trường đã giúp nền kinh tế không những duy trì được tăng trưởng dương trong thời gian đại dịch mà còn củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Đây là bằng chứng tốt khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã vận hành về cơ bản theo cơ chế thị trường.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng tự do kinh tế sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng, vì sao, EFW được hiểu như thế nào?
- Tự do kinh tế trong bộ chỉ số EFW được hiểu là khả năng của các cá nhân và các gia đình trong việc thực hiện các quyết định kinh tế của chính họ.
Thật dễ dàng để thấy được cách thức tự do kinh tế thúc đẩy sự thịnh vượng và phúc lợi. Bất kỳ giao dịch nào được tham gia một cách tự do đều phải có lợi cho tất cả các bên. Giao dịch nào không tạo ra lợi ích cho tất cả các bên sẽ bị từ chối bởi bên không đạt được lợi ích mong muốn. Điều này tạo ra những kết quả tích cực trong toàn bộ nền kinh tế.
Người tiêu dùng được tự do lựa chọn sẽ chỉ bị thu hút bởi chất lượng và giá cả vượt trội. Người sản xuất và bán hàng, gồm cả những người mới, đều được chào đón trên thị trường và phải thường xuyên cải thiện giá cả và chất lượng của những sản phẩm, nếu không khách hàng sẽ không tham gia các giao dịch với họ. Hàng triệu giao dịch diễn ra hàng ngày mang lại lợi ích cho các bên, tạo ra động lực để tăng cao năng suất và việc làm trong toàn bộ nền kinh tế.
Nền kinh tế có mở lớn nên rất dễ bị tổn thương trước các tác động xấu từ bên ngoài, vì thế chúng ta đã và đang xây dựng nền kinh tế tự chủ tự cường. Tự do kinh tế gia tăng, liệu có ảnh hưởng tới sự tự chủ của nền kinh tế không?
- Có câu hỏi đặt ra mức độ tự do hóa cao hơn thì sẽ bị động hơn, tính độc lập tự chủ bị ảnh hưởng. Nhưng tự do kinh tế không đi ngược tự chủ kinh tế. Việt Nam là minh chứng rõ điều này. Khi ta mở cửa, ta có nhiều đối tác kinh tế. Nếu đối tác này gặp khó khăn, ta có thể tìm đến đối tác khác và ngược lại.
Đại dịch covid vừa qua là một minh chứng sống động: Trong khi nhiều nền kinh tế khác trong khu vực suy giảm thương mại và đầu tư thì kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Rõ ràng, ta mở rộng đối tác thương mại mà không hề đánh mất gì sự tự chủ. Chúng ta không lo mở rộng tự do kinh tế mà mất tự chủ.
Tránh sự hiểu lầm là tăng mức độ tự do kinh tế dẫn đến sự hỗn loạn. Tự do kinh tế bao gồm cả trật tự, nhưng ở đây là trật tự có được nhờ chế độ pháp quyền và nhà nước tinh gọn, hiệu quả. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển giúp Nhà nước thu được nhiều thuế hơn, qua đó có thêm nguồn lực để đầu tư áp dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực công, an ninh trật tự vì thế tốt hơn, và quay trở lại giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, kinh doanh.
Mục tiêu đặt ra là chúng ta sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Vậy khả năng khát vọng thành hiện thực như thế nào?
- Với thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 3.590 USD, Việt Nam đã tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (theo phân loại của World Bank năm 2021, từ 4.046 USD đến 12.535 USD).
Tuy nhiên, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó chữa trị dứt điểm. Và lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về giá hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên v.v… Nên rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đó là kinh nghiệm.
Để đạt được khát vọng, chúng ta cần kiên trì các chính sách thúc đẩy tự do kinh tế. Khi những vấn đề như nhiều nêu trên xuất hiện thì ta phải giải quyết bằng cơ chế thị trường, bằng cách của thị trường chứ không phải dùng biện pháp hành chính. Dùng biện pháp hành chính chỉ giải quyết được trước mắt nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn hơn trong tương lai… thậm chí có thể có sự đứt gãy lớn hơn trong tương lai ví dụ câu chuyện thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong năm 2022 và mất điện diện rộng ở miền Bắc trong hè vừa rồi.
Tôi tin rằng, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lạm phát ở mức 3-4%, và cải cách thể chế kinh tế mạnh hơn nữa, tăng mức độ tự do kinh tế và thị trường hơn, tạo cơ hội và điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển năng động và sáng tạo thì Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu là nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.