Ngành Công Thương đoàn kết, đổi mới, đóng góp cho sự lớn mạnh của đất nước Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Cơ hội từ những chính sách được thực thi |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Năm 2023 khép lại, ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế trong năm qua?
2023 là năm đầy khó khăn do các quốc gia trên thế giới nâng lãi suất rất cao để chống lạm phát. Tuy lạm phát trên thế giới có giảm đi nhưng không giảm nhanh như mong muốn, trong khi chi phí vốn của các doanh nghiệp cao. Vì thế, các nền kinh tế thế giới phát triển trì trệ. Điều này khiến đầu vào cho sản xuất kinh doanh bị co hẹp. Lượng hàng nhập khẩu giảm đi.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tương đối thấp sẽ tạo vị thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 này |
Hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, một số ngành nghề như dệt may, da giày, đồ gỗ rất thiếu đơn hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến thu nhập người dân kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cũng thấp. Chính vì vậy, đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước.
Sản xuất của chúng ta trong năm 2023 không như mong muốn. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đâu đó đạt khoảng hơn 5%, thấp hơn mức Quốc hội giao, do nền kinh tế chịu tác động kép chưa từng có, bất chấp các nỗ lực tháo gỡ.
Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm của thế giới và khu vực thì mức tăng trưởng của Việt Nam cũng là mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Năm 2023, chúng ta có một khối lượng đầu tư công rất lớn (chưa từng có trong nhiều năm qua). Một phần là đầu tư công do Chính phủ dành ra để đầu tư cơ sở hạ tầng. Một phần khác được đến từ gói hỗ trợ kích cầu 350 nghìn đồng. Mức đầu tư này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng vừa phải.
Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định dòng tiền, ổn định lượng hàng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Mặc dù, lượng xuất khẩu không cao nhưng vẫn đạt con số gần 700 tỷ USD.
Về tiêu dùng, tăng trưởng tương đối thấp. Nếu năm 2022, tổng mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân là 19,5%, thì năm 2023, con số này sụt giảm gần 40% so với năm 2022. Tuy nhiên, xét trong tổng thể thì tiêu chí này vẫn có thể giúp cho nền kinh tế có những điểm tích cực, từ đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường liên kết, liên doanh. Đây là điểm tương đối tốt.
Đặc biệt, năm 2023, ngân sách nhà nước khá căng thẳng vì các gói hỗ trợ, tuy nhiên, các nguồn thu vẫn đảm bảo được. Về chi thì chúng ta cố gắng chi giải ngân đúng người, đúng việc để đem lại hiệu quả kinh tế. Giá trị đồng Việt Nam ổn định so với USD cũng đang tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô, cho nền kinh tế của đất nước. Tránh được các hoạt động “ăn xổi, ở thì” như thời gian trước đây.
Hiện, một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia đưa ra nhận định khác nhau về dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, là chuyên gia kinh tế, ông có những nhận gì về việc này?
Trong quá trình tăng trưởng và phát triển thì con số tăng trưởng GDP có thể thay đổi theo từng tháng, từng quý. Với đà phát triển và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia, tổ chức đánh giá năm 2024 kinh tế Việt Nam vẫn khó khăn và khó có thể đạt được con số tăng trưởng cao.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Tuy nhiên, theo tôi nhìn nhận, những tháng cuối năm 2023, số lượng doanh nghiệp mới tăng lên, vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng tăng lên, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp của chúng ta cũng đang nắm bắt lại các thị trường trong và ngoài nước.
Chúng tôi cũng hi vọng sau hơn 1 năm rút kinh nghiệm thì trong năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, doanh nghiệp nắm bắt được thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phát triển cao hơn.
Đặc biệt, kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định, lạm phát tương đối thấp trong khi đó mức độ giảm giá của đồng Việt Nam so với USD cũng tương đối thấp. Trong thực tế, đồng Việt Nam đang lên giá so với một số đồng tiền trong khu vực và trên thế giới như đồng Eur, Yên Nhật, đô la Singapore,… việc này sẽ tạo vị thế để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể yên tâm trong việc hoạch định sản xuất kinh doanh cũng như trong việc tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Với các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng, có 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024. Ở kịch bản thứ nhất, đó là tăng trưởng GDP không đạt như kỳ vọng và sẽ đạt con số từ 5,5 - 6,5% với các điều kiện chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng giao thương quốc tế vẫn trì trệ, nền kinh tế thế giới tăng trưởng không như mong muốn, lạm phát vẫn cao.
Ở kịch bản thứ 2, đó là khi nền kinh tế thế giới được cải thiện tốt hơn, lạm phát thấp hơn, lãi suất được các quốc gia trên thế giới hạ xuống, nhu cầu giao thương quốc tế tăng lên, khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta sẽ tốt hơn. Cộng với điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, giá trị đồng Việt Nam tiếp tục được giữ vững như hiện nay, các cân đối vĩ mô về nợ vay và các vấn đề khác tốt hơn thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng GDP có thể đạt được từ 6,2 - 7% trong năm 2024 này.
Nếu nói điều gì đó còn vương vấn trong bức tranh kinh tế của năm 2023, ông sẽ nói điều gì?
Những điều vương vấn trong bức tranh kinh tế của năm 2023 có lẽ vẫn còn không ít.
Thứ nhất là đầu tư công, năm 2023, lượng vốn đầu tư công tăng gấp đôi so với mọi năm, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn đang chậm, đến nay mới đạt hơn 70%. Hết năm giải ngân chúng ta vẫn hi vọng đạt con số 90 - 95%, tuy nhiên, điều này không dễ. Hi vọng, năm 2024, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt hơn.
Lý do chúng tôi nói đầu tư công đầu tiên bởi đây là nguồn lực trong nước, chúng ta có tiền, chúng ta có thể nắm được các hoạt động và có thể giải ngân được, tuy nhiên, chúng ta không đẩy mạnh giải ngân ngay trong những quý đầu năm, để hoạt động này có tốc độ lan tỏa trong nền kinh tế.
Thứ hai, với hoạt động xuất nhập khẩu, những tháng cuối năm 2023 đã có những chuyển biến. Nhưng rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng.
Trong năm qua, một số ngành nghề, việc thiếu đơn hàng không phải do mẫu mã chậm thay đổi mà ở vấn đề các tiêu chuẩn xanh hóa ở một số thị trường chúng ta chưa đáp ứng được.
Vì thế, sau hơn 1 năm có sự giảm sút đơn hàng ở 1 số ngành nghề, 1 số lĩnh vực, 1 số thị trường, chúng tôi cũng hi vọng trong năm tới, các doanh nghiệp có thể nắm lại được các thị trường, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa mà các thị trường đã đặt ra, để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường truyền thống và mở rộng tại các thị trường mà chúng ta có ký các FTA và các thị trường khác. Khi đó, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn trong năm 2024 này.
Năm 2023, mặc dù Chính phủ đưa ra rất nhiều các chính sách kích cầu tiêu dùng nhưng kết quả không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, với các chính sách về giảm thuế VAT, giảm các loại phí, lệ phí, hi vọng, mức tiêu dùng trong nước năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn, trên cơ sở đó sẽ làm lực đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, lượng tồn kho hàng hóa giảm đi.
Tất nhiên, việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đồng tiền Việt Nam, giữ mức lạm phát thấp thì vẫn là bài toán mà từ trước đến nay chúng ta mong muốn. Hi vọng, các cơ quan sẽ tiếp tục giữ được các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế để giúp cho các doanh nghiệp, nền kinh tế ổn định và tăng trưởng một cách tốt nhất.
Xin cám ơn ông!