Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện Việt Nam hiện có 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả xuất khẩu vào Trung Quốc. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương và tăng cường khai kiểm tra việc cấp mã số vùng trồng đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc. Đến nay, cả nước có 3.646 mã số vùng trồng được cấp, với diện tích 197.000 ha tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và gần 1.800 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu…
Chiều 9/3, Bộ NN&PTNT đã họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với thị trường Trung Quốc |
Nhu cầu của đất nước 1,4 tỷ dân đối với các loại nông sản, thực phẩm là rất lớn. Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các hoạt động kiểm dịch xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là tại các cửa khẩu ở khu vực biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, việc chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch, được coi là hướng đi tất yếu để khai thác tốt thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Thực tế, vấn đề chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- nhận định, đây là vấn đề lâu dài, khó, tồn tại đã nhiều năm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích. Do đó, cần xây dựng lộ trình, thang đo, định vị được thị trường Trung Quốc và đưa ra được trách nhiệm của các bên. Cần khơi thông về tư duy đối với thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng chập chờn, dễ dãi dẫn đến việc sản xuất thả nổi, mùa vụ…
Khẳng định, xuất khẩu chính ngạch càng triển khai sớm càng tốt để dần dần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – dẫn chứng, năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch quả chanh leo chiếm 75%, nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Nhờ tăng chế biến nên giá chanh leo đã lên 20.000 đồng/kg so với trước đây chỉ từ 7.000 -10.000 đồng/kg. Cùng với đó, sản phẩm chế biến cũng được tiêu thụ tốt.
Để xuất khẩu chính ngạch, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, trước tiên phải xuất phát từ chính mình và làm phải chuẩn. Cần phải tiếp xúc sâu sát hơn nữa với các thương nhân Trung Quốc để nắm rõ thị trường, đồng thời Hiệp hội ngành hàng phải có đại diện ở thị trường để nắm bắt thông tin. Bộ NN&PTNT cũng cần tiếp tục đàm phán để ký Nghị định thư về những loại rau quả chưa được xuất khẩu chính ngạch để sản xuất và xuất khẩu ổn định.
Trong khi đó, theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – việc chuyển sang chính ngạch về tiêu chuẩn hàng hóa cũng cần phải thích ứng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự sẵn sàng. Cơ hội cho nông sản, trái cây của Việt Nam là rất lớn bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.
Với quan điểm tiếp cận cần coi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường xuất khẩu yêu cầu cao như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam - cho rằng, những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản… thì cần lấy các mô hình này làm tính hệ thống.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - nhận định, bên cạnh nỗ lực của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp thì các địa phương cũng cần có sự chủ động. Bởi lẽ, việc xác định chính ngạch hay không, không chỉ nằm ở phương thức giao hàng mà còn là phương thức sản xuất và phương thức bán hàng.
Dẫn chứng vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho hay, ở khâu bán hàng, có thể nhìn thấy bài học của các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, đó là sự tham gia quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Đây là điều mà các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có thể học tập. Theo đó, các địa phương có thể tổ chức hội nghị kết nối, mời các doanh nghiệp tiêu thụ lớn, có cách làm bài bản với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông qua các Bộ để mời các đầu mối tiêu thụ lớn của Trung Quốc cùng tham gia, mở rộng thị trường sâu vào nội địa Trung Quốc.
Để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là cần chuẩn hóa từ đầu cung, điều kiện doanh nghiệp khi tiếp cận ở các vùng nguyên liệu chứ không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu.
Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu nghiêm ngặt. Những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Nhật Bản… là tính hệ thống. Do đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc cũng phải theo hệ thống. Ông Lê Minh Hoan cho hay, việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là cuộc cách mạnh cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng. “Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch”, ông Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,39% so với năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2022, con số này đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021; nhập khẩu đạt 515 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2021. |