Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu lý do đầu tư chuyển đổi xanh còn khiêm tốn |
EU đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao
Sau 3 năm triển khai EVFTA, kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam - EU đã trở thành hiện thực. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.
Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… với hàng hóa nhập khẩu, gọi chung là các “tiêu chuẩn xanh”.
Tọa đàm “Chuyển đổi xanh - yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU” |
Tại Tọa đàm “Chuyển đổi xanh - yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU” tổ chức ngày 19/9, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, trong Hiệp định EVFTA có một chương là Phát triển bền vững. Vấn đề phát triển bền vững trong EVFTA đề cập đến hai lĩnh vực, một là về môi trường, hai về lao động.
Về môi trường, trong EVFTA đề cập đến bốn khía cạnh chính: Thứ nhất là biến đổi khí hậu, thứ hai là đa dạng sinh học, thứ ba là quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản, thứ tư là quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.
“Đối với cơ chế thực thi thì EVFTA là một hiệp định không giống hiệp định thương mại thông thường mà đây là một hiệp định có yếu tố rất quan trọng về phát triển bền vững” – ông Ngô Chung Khanh chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh EVFTA là một hiệp định thiên nhiều về phát triển bền vững, cho nên các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, vấn đề môi trường, người lao động.
EVFTA cũng là một hiệp định đầu tiên có một cơ chế thực thi khá rõ ràng. Hai bên đồng ý thiết lập ra một ủy ban về phát triển bền vững và có đại diện của Chính phủ, các cơ quan quản lý của hai bên thường xuyên hàng năm hoặc định kỳ gặp gỡ nhau để rà soát tiến trình thực thi của cả hai phía, trong đó nêu ra những kinh nghiệm cũng như các vấn đề cần xử lý.
Bên cạnh đó, EU sẽ có những quy định đối với vấn đề về môi trường hay về vấn đề lao động. Chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên gới cacbon (CBAM), hay là những vấn đề liên quan đến chống phá rừng và sắp tới là đạo luật chuỗi cung ứng. Theo đó, các quy định thông thường không đánh vào các nhà xuất khẩu mà chủ yếu là vào các nhà nhập khẩu, tức là chính đánh vào các chủ thể của EU và các chủ thể EU sẽ phải có trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng của mình để làm sao đảm bảo được yêu cầu do EU đặt ra.
Thứ hai, quan trọng hơn là chính người tiêu dùng EU. Bởi vì hiện nay xu hướng người tiêu dùng EU càng ngày càng quan tâm đến cách chúng ta làm ra sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không, đối xử người lao động như thế nào… Đấy là những điểm mà doanh nghiệp cần chú ý.
Bà Nguyễn Hồng Loan, - Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM chia sẻ thêm, EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao và các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm, từ những năm 1987. Tuy nhiên, gần đây, các quy định này được quy định chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với quy định này, họ đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu bao trùm tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không. Những quy định này khi áp dụng với hàng hóa châu Âu thì cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng với với các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu như của Việt Nam.
Đặc biệt, quy định gần đây được phê duyệt vào tháng 5/2003 và chính thức có hiệu lực từ ngày mùng 1/10 năm nay là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã đưa định giá carbon của EU để áp với các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên họ cũng đưa ra một lộ trình là chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ nay đến năm 2026 và tỉ lệ mà chúng ta phải chi trả chứng chỉ CBAM cũng sẽ tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034, tức là chúng ta có một lộ trình để chuẩn bị.
Doanh nghiệp Việt thích ứng ra sao?
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi xanh, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chắc chắn là những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU, ví dụ như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày… Cho nên chắc chắn là số lượng, phạm vi các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng là lớn.
Đây cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp trong nước bởi các tiêu chuẩn này không phải đặt ra, sau đó tuân thủ là xong mà đây là một chuỗi những thay đổi và nó xanh dần, bền vững dần, tức là các doanh nghiệp nếu muốn tuân thủ thì phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được.
Cuối cùng là việc thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực, nhận thức và chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là phần lớn các doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp dệt may sẽ chịu ảnh hưởng bởi các quy định chuyển đổi xanh của EU |
Về phía doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho hay, Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài mà không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ.
Do đó, doanh nghiệp phải bám sát rất sát theo yêu cầu của khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trong năm 2023 và cả năm 2024 dự báo sẽ còn thấp, khi các nước tiêu thụ lớn vẫn đang thắt chặt chi tiêu thì doanh nghiệp phải nhìn nhận lại, tận dụng những thuận lợi trước mắt khi khách hàng vẫn ưu tiên các sản phẩm phổ thông trước. Tất nhiên là họ vẫn bám theo mục tiêu cuối cùng là đến năm 2030 sử dụng 50% nguyên liệu tái chế, nhưng ở thời điểm này, họ đang chậm nhịp lại thì ta cũng phải chậm nhịp lại.
Về phía Vinatex, tập đoàn đang tập trung đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, thay đổi nhận thức, trang bị những hiểu biết, thông tin cho nhân lực.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất thử nghiệm đối với mặt hàng phát triển bền vững thực sự sẽ rất tốn kém, song cũng cần cân đối vì phát triển bền vững chắc chắn là mục tiêu nằm trong chiến lược trung và dài hạn. Các giải pháp cũng linh hoạt và đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.