Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”. Báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất, phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, và Singapore; Thứ hai, rà soát khung pháp lý và tổ chức thực thi, các yêu cầu liên quan, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại gắn với các cam kết về thương mại điện tử trong các FTA thế hệ mới; thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại liên quan đến hạ tầng số - viễn thông, fintech, và logistics; Thứ ba, các yêu cầu và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo diễn ra theo hình thức trực tuyến diễn ra vào chiều nay (13/12), bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM – cho rằng: Trong 36 năm đổi mới vừa qua (1986-2021), tăng trưởng thương mại luôn gắn liền với những thành tựu quan trọng của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn kể từ năm 2018, do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2020 và 2021 thì tăng trưởng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng quan trọng của nền kinh tế.
Kết quả này không chỉ tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Để đạt được kết quả đó, việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại đã góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.
Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), thời gian qua, Việt Nam đã có nỗ lực bước đầu nhằm tiếp cận chuyển đổi số trong thương mại. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030.
Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại |
Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và fintech, logistics… Cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, cùng với đó là một loạt các nhiệm vụ đang thực hiện liên quan đến chuẩn bị xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số…
Coi chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Việt Nam, trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Đây cũng được đánh giá là giải pháp quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng bất lợi từ dịch Covid-19. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, những chính sách về chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua chưa mang lại nhiều hiệu quả. Để chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh thương mại nói riêng mang lại hiệu quả tích cực hơn, ông Lê Đăng Doanh khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên phân tích rõ những thuận lợi, trở ngại của hoạt động chuyển đổi số ở Việt Nam, từ đó xem xét đến các thành phần kinh tế xem họ vận dụng chuyển đổi số đến hoạt động của mình ở mức độ nào, từ đó hợp tác với một số doanh nghiệp, có thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tìm ra những điển hình tiên tiến, giúp các doanh nghiệp khác có thể tìm hiểu, học tập và làm theo.
Cũng chung quan điểm cho rằng chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, tới đây Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong. Trong đó, cần chú ý đến một số kinh nghiệm nổi bật như: Chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin; tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc hoàn thiện chính sách, hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại số. Đây là vấn đề càng cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả một số hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...
Nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị, Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; Chính sách sở hữu trí tuệ; Phát triển hạ tầng số; Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại. |