Chuyển đổi số trong báo chí: Nhanh chóng hoàn thành chiến lược Chuyển đổi số trong báo chí: Học hỏi từ mô hình báo chí quốc tế |
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó, thậm chí là rất khó do lĩnh vực truyền thông luôn biến động không ngừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí phải chủ động chuyển đổi số là xu thế tất yếu.
Trong môi trường thông tin cạnh tranh, nội dung hay là chưa đủ, các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với người dùng.
Vừa đóng vai trò thông tin tuyên truyền, định hướng, vừa là chủ thể chủ động chuyển đổi số, thậm chí phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, báo chí truyền thông hiện nay đang có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít thách thức.
Báo chí sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số |
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Cùng đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.
Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Đại dịch Covid-19 đã khiến báo chí nhận ra rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần phải bắt tay vào làm ngay. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Có thể thấy, việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới là cần thiết. Từ đó, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Do đó, để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát, chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng cần tổng hợp các giải pháp từ chính sách đến thực tiễn. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao vai trò chủ động trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.