Chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Hiện thực hoá những mục tiêu hiện đại |
Chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết
Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Báo VietnamPlus cho rằng: “Độc giả không còn thụ động ngồi chờ chúng ta cung cấp tin tức. Muốn phát triển độc giả, đặc biệt là giới trẻ, các tòa soạn phải lao đến các nền tảng mà người đọc (và cả người xem) đang tập trung đông đảo ở đó.”
Tại Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình in và điện tử: 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in): 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương: 164; địa phương: 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử. Có 227 chuyên trang của 88 cơ quan báo chí điện tử, gồm: 178 chuyên trang của 62 cơ quan báo chí Trung ương; 49 chuyên trang của 26 cơ quan báo chí địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí chưa có phiên bản điện tử hay trang thông tin điện tử, chuyên trang, tập trung phần lớn ở khối tạp chí, nhất là tạp chí khoa học.
Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.
Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV hay Vietnamplus, VnExpress, Zing… Một số báo chí địa phương cũng đã bước đầu có sự thay đổi như: Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật, kinh phí và nhân sự.
Thạc sĩ Vũ Hồng Thuý - Báo Pháp luật Việt Nam nhận xét: “Các cơ quan báo chí đều sớm hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.”
Tuy nhiên, các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích.... Sự sụt giảm lượng truy cập kéo theo sụt giảm doanh thu quảng cáo trực tuyến hiển thị trên nền tảng web. Theo SimilarWeb, 6 tháng gần nhất (kỳ thống kê tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021), lượng truy cập (traffic) của các tờ báo điện tử Việt Nam giảm trung bình 11%.
Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Việc hỗ trợ của nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí
Tháng 11/2021 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước); 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí,…
Đến năm 2030, 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí, 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân,…
Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó bao gồm những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai chiến lược.
Những giải pháp này bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật, phát triển các sản phẩm báo chí số, phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.