Chuyển đổi số trong báo chí: Vai trò tất yếu |
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?
Chuyển đổi số mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của chúng ta. Hầu hết các cấp, các ngành đều tham gia vào quá trình chuyển đổi số và báo chí là lực lượng tiên phong chuyển đổi số trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và thông tin.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Tôi nhận thấy, một số cơ quan báo chí đã có những bước đi tiên phong và đạt kết quả tích cực bước đầu trong chuyển đổi số báo chí để từ đó đưa ra những sản phẩm có hiệu quả hơn trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Đó là trên cơ sở làm tốt nội dung thì sử dụng những công nghệ truyền thông tiên tiến để lan tỏa những nội dung đó ra xã hội để các tác phẩm báo chí ngày càng đa dạng, hiện đại và hấp dẫn hơn.
Nhìn tổng thể, chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí hiện nay còn chậm so với yêu cầu. Nếu như các cơ quan báo chí không chuyển đổi số một cách mạnh mẽ thì sẽ bị tụt hậu và không bao giờ vươn lên hàng tiên phong để lan tỏa thông tin tích cực ra xã hội.
Vấn đề hiện nay nằm ở nhận thức, vẫn còn một số người quan niệm chuyển đổi số báo chí chỉ là số hóa một số nội dung đưa lên internet. Hiểu như vậy là quá đơn giản bởi chuyển đổi số báo chí là chuyển đổi số quá trình làm báo, phong cách làm báo. Khi thực hiện chuyển đổi số báo chí thì quy trình làm báo trong một cơ quan báo chí thay đổi gần như hoàn toàn. Quy trình làm báo truyền thống trước đây với cây bút, trang giấy giờ hoàn toàn khác. Do đó, vấn đề nhận thức, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu cơ quan báo chí về vấn đề chuyển đổi số là đòi hỏi, yêu cầu số một. Có nhận thức đúng mới có thể hoạt động đúng.
Chuyển đổi số đã được thực hiện khá thành công ở Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan báo chí có lượng đọc lớn như Báo Thanh niên…
Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số báo chí không hoàn toàn đến từ công nghệ, những khoản chi khổng lồ cho thiết bị, nền tảng số mà đến từ yếu tố con người. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Theo tôi, cả hai yếu tố đều quan trọng, yếu tố này không loại trừ yếu tố kia mà phải làm sao cho cả 2 yếu tố đều lớn mạnh.
Cả công nghệ và nội dung đều liên quan mật thiết đến yếu tố con người. Vấn đề là phải xây dựng một đội ngũ người làm báo tinh thông về nghề nghiệp, có khả năng đưa ra xã hội những nội dung tốt và cũng phải sử dụng thành thạo công nghệ. Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới cho thấy, để đưa ra được những nội dung tốt trên nền tảng số thì cứ 3 người làm về nội dung sẽ có 1 người làm về công nghệ cùng sáng tạo ra tác phẩm báo chí. Có thể có những nhà báo đa năng, vừa làm tốt nội dung, vừa làm tốt công nghệ; hoặc có những người ở nhiều bộ phận khác nhau cùng chung tay làm nên một tác phẩm. Điều này cần phải linh hoạt.
Báo Công Thương đã chủ động và tích cực thực hiện từng bước trong công tác chuyển đổi số |
Số hóa là "cuộc chơi" của báo chí trên nền tảng internet. Và để số hóa thành công, đòi hỏi cách thức làm báo khác nhau nhằm cạnh tranh giữa cơ quan báo chí và cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội. Điều này dẫn đến lo ngại về việc có thể có cơ quan báo chí đuổi theo thông tin mà rời xa tôn chỉ mục đích. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Điều này liên quan đến tính hấp dẫn của báo chí. Trước đây, chúng ta luôn luôn nói báo chí phải nhanh, thông tin phải đi đầu. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, người đưa tin nhanh nhất nhiều khi không phải là báo chí mà lại là người hoạt động trên mạng xã hội. Cho nên báo chí không cần phải hối thúc để trở thành người đi đầu trong đưa tin. Bởi nếu hối thúc quá mức sẽ dễ dẫn đến việc buông lỏng tính chính xác và chuẩn mực của thông tin. Mà đối với báo chí thì tính chính xác, tính chuẩn mực mới là quan trọng.
Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, báo chí không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt mạng xã hội về tính chuẩn mực, tính trách nhiệm và đạo đức làm nghề của người làm báo. Tính hấp dẫn của báo chí không nằm ở chỗ tôi đưa tin nhanh hơn mà là nói đúng hơn, chuẩn mực hơn và đưa ra những kiến giải sắc sảo hơn. Điều này đòi hỏi chất xám và tầng nhận thức rất sâu của người làm báo trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Đặc biệt, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số này, chúng ta nói đến phương thức và cách thức làm nghề phải khác nhưng lý tưởng, đạo đức và tâm thế làm nghề thì không thể khác. Chúng ta làm nghề không phải bởi lợi ích của bản thân mình mà vì mục đích cao cả là vì cộng đồng, xã hội và nhân dân. Đây là "chìa khóa" để báo chí chiến thắng, đẩy lùi, dẹp bỏ, đập tan các thông tin xấu độc, tin giả trên mạng xã hội.
Vậy theo ông, các cơ quan quản lý cần tập trung vào những nội dung gì để hỗ trợ tốt nhất cho các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số?
Thực tế, nếu để các cơ quan báo chí tự giải quyết vấn đề chuyển đổi số là điều rất khó khăn. Vì nhiều cơ quan báo chí không đủ điều kiện về vật chất để tiến hành chuyển đổi số. Cho nên trên cơ sở nhận thức sâu sắc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản của báo chí, thậm chí là cấp nhà nước. Không thể chuyển đổi số báo chí nếu thiếu sự tham gia của cơ quan điều hành, hoạch định chính sách.
Thời gian qua, điều đáng mừng là chính Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên tiếng rất kịp thời, mạnh mẽ về vấn đề này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra những định hướng rõ ràng về vấn đề chuyển đổi số báo chí như có chủ trương thành lập những nền tảng để các cơ quan báo chí sử dụng chung để chuyển đổi số. Đó là những định hướng đúng và các cơ quan báo chí sẽ được thụ hưởng vấn đề này nếu như vào cuộc tích cực.
Quá trình chuyển đổi số là quá trình khó khăn và tốn kém. Vậy ông có gợi ý gì về giải pháp cho các cơ quan báo chí để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất?
Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng 850 cơ quan báo chí, trong đó tự chủ về tài chính vào khoảng 30% với nhiều con đường khác nhau như được phân bổ ngân sách nhà nước hoặc tự chủ nhờ nguồn lực của tờ báo. Vấn đề tài chính cũng là vấn đề lớn để một cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Trong hệ thống báo chí của chúng ta có thể phân cấp ra các hạng mục, một là các cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện mạnh như: Nhân dân, Quân đội Nhân dân, VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… Các cơ quan báo chí này đang tiến hành đa phương tiện và được cung cấp ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Với các cơ quan báo chí bộ, ngành và địa phương, nằm trong sự giám sát và thực hiện nhiệm vụ trực tiếp của các bộ, ngành và địa phương, thì được hỗ trợ một phần ngân sách.
Còn báo chí của các cấp hội, đoàn thể, có nơi thì có ngân sách của cơ quan chủ quan, có nơi thì không. Vì quy mô và tính chất khác nhau nên cần có con đường riêng về chuyển đổi số. Ở đây, trên cơ sở nhiệm vụ, điều kiện thực tế, các cơ quan báo chí có thể lựa chọn cách thức chuyển đổi số riêng cho mình. Điều này đòi hỏi tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí.
Xin cảm ơn ông!