Đây là nội dung quan trọng của hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6/2022.
Hội thảo được tổ chức vào thời điểm có hai sự kiện ý nghĩa. Đó là kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và nhân dịp Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí Việt Nam.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo có dịp thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chi cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ thông tin và Truyền thông.
Ba nội dung quan trọng đặt ra cho báo chí Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số cũng là ba nội dung quan trọng được tập trung làm rõ tại hội thảo.
Đó là việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đề xuất được khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Cùng đó làm rõ những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh.
Đông đảo đại biểu tham gia Hội thảo |
Tại hội thảo ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.
Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.
Căn cứ Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó đến năm 2025 có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước).
80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.
Trong ý kiến phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hoá, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.
Còn Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.
Việc đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số luôn là bài toán khó cho các cơ quan báo chí bởi kinh phí lớn, do đó, việc sử dụng hạ tầng của bên thứ 3 sẽ là giải pháp phù hợp.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số công ty công nghệ hàng đầu trong nước đã có kế hoạch hợp tác với các cơ quan báo chí. Theo đó, cơ quan báo chí có thể sử dụng nền tảng của những đơn vị này để chuyển đối số cũng như hợp tác trong các mô hình phát sinh doanh thu mới”- ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin.