Cơ cấu lại thị trường du lịch: Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng Du khách Việt mong muốn du lịch bền vững sau tác động từ đại dịch |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, chuyên đề chuyển đổi số, động lực phát triển bền vững |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ.
“Nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần” Covid-19 lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn đó là chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa”- ông Phòng nói.
Dịch Covid-19 cũng được nhấn mạnh chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc "lột xác", để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới đây. Theo ông Hoàng Quang Phòng, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.
Trên thực tế, ghi nhận từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về nhiệm vụ phát triển kinh tế số du lịch, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực.
Trong đó, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.
“Hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch, vì vậy, qua các ứng dụng trên nền tảng số để đưa kinh tế số du lịch đến từng người dân"- ông Đường cho hay.
Trước đòi hỏi của phục hồi, phát triển chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đã khẳng định, đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn |
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Vì thế, thời gian tới, theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, cần: Tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch; tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
“Với sự đồng thuận, nhất trí cao và quyết tâm lớn, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới toàn ngành sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, giúp du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, khai thác nhiều hơn các giá trị kinh tế số từ hệ sinh thái du lịch thông minh, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - ông Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ phải mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa. Dịch Covid-19 tuy gây thiệt hại nhưng cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp và ngành du lịch chuyển đổi, bắt kịp xu hướng không thể đảo ngược của thế giới - chuyển đổi số. |