Theo ông, bức tranh ngành du lịch năm 2020 có thể được khái quát như thế nào?
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại cho ngành du lịch lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100 - 120 triệu lao động trong ngành mất việc làm. Đối với Việt Nam, dự kiến lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm hơn 80% so với năm 2019; khách nội địa dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020, dù có những chiến dịch kích cầu hiệu quả.
Sụt giảm về lượng khách khiến toàn ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Ngành vận chuyển, hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Trước những tổn thất đó, bài toàn trước mắt đặt ra là phải nhận diện cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Chúng tôi luôn xác định, cơ cấu lại thị trường là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt giai đoạn sau này để định hình cơ cấu thị trường tối ưu nhất; làm sao phát huy được đà tăng trưởng của giai đoạn trước, để du lịch trở thành ngành tiên phong phục hồi sau dịch Covid-19, tranh thủ cơ hội và phát triển lên tầm cao hơn. Theo đó, mục tiêu thời gian tới, cần bảo đảm tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường; giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Du lịch đề xuất, đó là tập trung vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể, tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung nghiên cứu sâu cơ cấu khách theo nhu cầu và sản phẩm du lịch, các phân khúc du khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế... Tăng tỷ lệ khách đến từ các thị trường còn chiếm tỷ lệ thấp như ASEAN, hoặc các thị trường xa như Tây Âu, Bắc Mỹ nhưng thời gian lưu trú dài, chi tiêu cao, khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông.
Đối với thị trường có tỷ trọng cao về số lượng khách như Trung Quốc, Hàn Quốc, cần phát triển sản phẩm, dịch vụ khai thác phân khúc khách có thu nhập cao, khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng dịch vụ cao cấp...
Để triển khai các định hướng phát triển trên, giải pháp cụ thể sẽ là gì, thưa ông?
Một trong những yếu tố quan trọng, đó là chúng ta phải tiếp tục và mở rộng chính sách, tạo thuận lợi nhập cảnh, đi lại tiếp cận điểm đến cho khách du lịch quốc tế; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến, xóa bỏ tâm lý e ngại an toàn dịch bệnh, kích cầu du lịch nội địa; ưu tiên quảng bá sản phẩm, điểm đến gắn với các thị trường hoặc phân khúc thị trường chất lượng cao.
Chuyển đổi số cũng là giải pháp quan trọng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Việc số hóa data dữ liệu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phục vụ cho du lịch là việc làm quan trọng, cấp bách mà chúng ta không thể trì hoãn. Theo đó, chúng tôi đang khuyến nghị phối hợp tốt với các hãng công nghệ lớn trên thế giới như google, các hãng vận chuyển lớn trên thế giới trong việc nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu khách du lịch. Triển khai nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), internet vạn vật (IoT); chuyển dần hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch từ môi trường truyền thống sang môi trường số...
Xin cảm ơn ông!