Chuyển đổi số trong báo chí: Nhanh chóng hoàn thành chiến lược Những vấn đề đặt ra trong dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 |
Bức tranh toàn cảnh
Chưa đến 10 năm trở lại đây, chuyển đổi số trong báo chí toàn cầu đã chứng kiến 6 thay đổi, bao gồm: Từ báo in sang online; thay đổi trong cách kể chuyện (storytelling), từ ảnh cộng với text sang đa phương tiện; từ desktop sang mobile; từ search đến social media (tức lưu lượng người đọc không còn chỉ phụ thuộc vào tìm kiếm như trước nữa mà còn đến từ mạng xã hội); từ tivi truyền thống sang trình chiếu video trực tuyến dạng streaming hoặc video theo yêu cầu (VoD); từ quảng cáo truyền thống sang quảng cáo lập trình (programmatic) và quảng cáo dạng native; từ ẩn danh đến định danh trên internet (tức người đọc có đăng ký - subscription).
Phóng viên Báo Công Thương dựng video trên nền tảng số |
Hiện, chưa có một khảo sát nào về mức độ thay đổi này ở báo chí chính thống của Việt Nam nhưng có thể mạnh dạn đưa ra nhận xét là báo chí Việt Nam đều mang bóng dáng của cả 6 thay đổi này. Đáng chú ý, một số cơ quan báo chí đã tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí.
Sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng xã hội đã chắp cánh cho sự thăng hoa trong chuyển đổi số của báo chí. Ví dụ, nền tảng TikTok có “số má” đến độ những người khổng lồ như Google, Facebook cũng không thể ngồi yên. Google vừa ra mắt YouTube Shorts trong khi Facebook thử nghiệm Reels trên nền tảng Instagram, biến mạng xã hội video ngắn trở thành “chiến trường” hứa hẹn là khốc liệt nhất.
Báo chí Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Theo khảo sát, hiện có khoảng 30 cơ quan báo chí chính thống đã tham gia vào mạng xã hội này, gồm cả các cơ quan lớn nhất như VTV, VO hay TTXVN…
Dù vậy, bức tranh tạm gọi làm, toàn cảnh ở đây không phải là màu hồng. Hiện nay, đa phần các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin. Song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng.
Đáng quan ngại là các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng về mặt thông tin. Mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích...
Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo luật chơi của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ (cả về doanh thu, dữ liệu) mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho rằng, so với câu chuyện tự đầu tư hạ tầng thì việc sử dụng hạ tầng bên thứ ba là phù hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, nhưng phải kiểm soát các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên của các cơ quan báo chí trên không gian số.
“Nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Ở đây, sẽ có câu chuyện đầu tư của nhà nước nhưng không phải theo cách dùng ngân sách mà là kéo các chủ thể tham gia hệ sinh thái số vào cuộc chơi chung, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí. Cả cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước sẽ cùng bảo vệ nội dung số, cùng bảo vệ tài nguyên báo chí trên internet” - ông Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận.
Trước tiên và sau hết vẫn là vấn đề con người
Chuyển đổi số không còn nghi ngờ gì nữa đã và đang quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí. Nhưng đó mới chỉ là một mặt của vấn đề, còn khía cạnh khác quan trọng hơn của chuyển đổi số trong báo chí cũng được không ít các chuyên gia chỉ rõ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm mô tả, chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị nguyên bản của báo chí.
Còn các chuyên gia như PGS. TS Bùi Chí Trung, TS. Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhà báo Nguyễn Bá (Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) - phân tích: Nhắc đến chuyển đổi số là nói về mức độ chuyển hóa thông tin, mà nói đến thông tin là nói về bản chất chức năng của báo chí. Ở đây có câu chuyện là để thực hiện tốt các chức năng của mình, báo chí thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Không chỉ cần xem chuyển đổi số báo chí là hoạt động của một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, mà phải nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa và xã hội.
Những ý kiến trên tuy có nhiều nội hàm khác nhau song đều giống nhau ở một nội hàm: Đó là trước tiên và sau hết trong quá trình chuyển đổi số chính là vai trò của yếu tố con người.
Một chuyên gia báo chí khác, ông Nguyễn Lê Tân của Đài Truyền hình VTC cho rằng, bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung, trong đó có cả vấn đề nhân lực. Câu chuyện chuyển đổi số được ông Tân hình ảnh hóa theo đó đối với những phóng viên, quay phim khi lãnh đạo đề nghị bỏ chiếc máy quay cồng kềnh và tìm cách nào đó ghi hình bằng điện thoại thông minh thì nhận được phản ứng của nhân viên rằng họ được học quay bằng máy quay phim, thậm chí là phim nhựa chứ không phải quay bằng điện thoại.
“Trong khi đó, cũng có những nhóm bạn trẻ quay bằng điện thoại với nội dung phù hợp chi phí thấp nhưng hiệu quả nhiều lượt xem cũng là điều khiến những lãnh đạo như chúng tôi phải suy nghĩ. Do đó, thay đổi tư duy là cả một quá trình chứ không thể ngay lập tức”- ông Tân chia sẻ.
Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại thì không phải là chuyện khó, mà khả năng thích nghi với một tương lai thiên về digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung - cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là chuyện đầu tư cho các hệ thống công nghệ mà quan trọng nhất là thay đổi về tư duy, từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những quản lý cấp trung và xuống đến từng cán bộ, nhân viên. Chuyển đổi số thách thức nhà báo phải làm được nhiều điều khác biệt. Công nghệ chỉ là đòn bẩy. Còn làm thế nào để tạo được dấu ấn, để mỗi tờ báo mang bản sắc riêng, không bị hòa lẫn trong dàn đồng ca thông tin xuôi chiều, mới là bản chất.
Để báo chí chuyển đổi số thực sự, nhà báo phải có kỹ thuật tác nghiệp hiện đại, từ kỹ năng khai thác thông tin số, kỹ năng kiểm chứng thông tin, kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện, đến kỹ thuật lập trình, biết hợp tác liên ngành…
Đây là hẳn là đích đến của yếu tố nhân lực nói riêng và trong chuyển đổi số nói chung của báo chí Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để lấy ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong năm 2022, Bộ dự kiến sẽ đào tạo 10.000 công chức, viên chức số, trong đó khối báo chí chiếm khoảng 3.000- 5.000 người. |