Chuyển đổi số trong nền kinh tế đã khẳng định thêm một lần nữa về vai trò, tính tất yếu và tầm quan trọng khi đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch chuyển các dòng đầu tư do hạn chế đi lại và giao thương trực tiếp.
Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn dân số vàng, tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động cao, lớp trẻ ngày càng năng động, có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng mới, bao gồm kiến thức và kỹ năng công nghệ số. Chỉ số về phát triển và chất lượng giáo dục tại Việt Nam, trong những năm gần đây luôn được đánh giá rất cao. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cao trong vài thập niên lại đây đã góp phần quan trọng cải thiện thu nhập xã hội, tăng tiêu dùng, gia tăng đáng kể tầng lớp người trung lưu có thu nhập khá, thị trường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao ngày càng được mở rộng.
Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng đã và đang được cải thiện mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 đã xếp hạng Việt Nam đứng vị trí thứ 42, dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Tốc độ đổi mới công nghệ nhanh chóng, công nghệ truyền thông di động với mạng 4G đã phủ sóng hơn 95% hộ gia đình và đang phát triển mạng 5G. Phạm vi phủ sóng không dây rộng rãi, với số lượng người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động cao đều có thể tiếp cận và khai thác được cơ hội từ nền kinh tế số. Đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều ngành mũi nhọn có quan đến kinh tế số, kỹ thuật số như thương mại điện tử, fintech, kinh tế chia sẻ… Đó là những nền tảng rất có giá trị, tạo ra động lực cho quá trình tiếp cận và đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Tăng đầu tư công vào hạ tầng công nghệ cao để phục vụ chuyển đổi số. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nghiên cứu, đánh giá về cơ hội chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay, PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân - nhận định: Quá trình tiếp cận chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số đang đặt ra không ít thách thức. Bởi chất lượng nguồn nhân lực, xét tổng thể vẫn còn yếu, hạn chế về kỹ năng ngoại ngữ, khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc nhóm chưa cao. Thực tế cho thấy, cổng thông tin điện tử quốc gia đã được Chính phủ thiết lập, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính công theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, song bước xuất phát điểm phát triển kinh tế số của Việt Nam thì lại thấp. Điều này đã dẫn đến nhận thức, kiến thức về quản lý nhà nước, nhận thức và hành động từ phía doanh nghiệp cũng như người dân về kinh tế số vẫn còn chưa có tính thống nhất, chậm chạp, không đồng đều. Hành lang pháp lý, thể chế chính sách cho công cuộc chuyển đổi số vẫn còn nhiều bất cập…
Những vấn đề nêu trên đang trở thành rào cản rất lớn đối với quá trình chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Xếp hạng của Cisco là một minh chứng đã cho thấy, mức độ sẵn sàng số hóa của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đứng thứ 70/141 quốc gia được xếp hạng, so với khu vực còn thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan...
PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, Chính phủ cần có khung chiến lược để định hướng và tạo hành lang pháp lý, thể chế thuận lợi hơn cho việc chuyển đổi số. Mục tiêu hướng tới là chuyển đổi số và số hóa đồng bộ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Muốn làm tốt được việc này, cần phải bắt đầu từ hoạt động quản trị Nhà nước.
Cần có một hạ tầng số và dịch vụ số bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng người dân. Muốn vậy, phải có nguồn lực đầu tư rất lớn và chất lượng nguồn nhân lực cao. Trong khi, chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không thể giải quyết, mà phải có cơ chế, chính sách thích hợp động viên, huy động hiệu quả các nguồn lực từ xã hội, từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI), thông qua tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng và minh bạch.
Trong dài hạn, PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, công cuộc chuyển đổi số phải xuất phát từ sự đổi mới giáo dục - đào tạo, thay đổi cách thức quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới theo hướng gắn chặt với công nghệ và số hóa. Kỹ năng số cần được giới thiệu tới cấp mầm non và nâng dần mức độ tiếp cận cho các cấp độ học cao hơn.
Cần có các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng đủ sức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ, đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đủ mạnh để các doanh nghiệp kết nối, nắm bắt xu thế và khai thác hiệu quả thế mạnh của kinh tế số, thông qua việc tăng cường đầu tư công vào phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử… giúp cho các doanh nghiệp cải thiện sự sẵn sàng bước vào kỷ nguyên công nghệ số hóa.