Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 sáng ngày 31/12 tại Hà Nội của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đánh giá cao những nỗ lực của bộ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngành tài nguyên và môi trường, qua đó góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương cũng đã đưa ra các kiến nghị gửi tới Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đã và đang diễn ra trong quá trình quản lý nhà nước về ngành, từ đó đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng xử lý, giải quyết, điều chỉnh trong các chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật đặc biệt là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Luật Khoáng sản sửa đổi đang được triển khai, thực hiện.
Ông Nguyễn Đăng Bình- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tham luận tại hội nghị |
Đơn cử như tỉnh Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình – Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định 326/QĐ-TTg 2022 của Thủ Tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo hướng phân bổ tăng chỉ tiêu sử dụng đất cho tỉnh Bắc Kạn, nhất là chỉ tiêu đất khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị bộ xem xét thu hồi các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của bộ đã dừng không hoạt động để bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả (như một số mỏ chì kẽm, mỏ đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh).
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị bộ sớm xem xét đề nghị khoanh định các khu vực không đấu giá khoáng sản để phục vụ các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá cao công tác hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo khẳng định, trong khi Luật Đất đai vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể, qua đó đã giúp các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng các công trình dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam. Nhờ đó đến cuối năm 2023 với sự hướng dẫn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phú Yên đã bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đạt 97,4% trong khi tỷ lệ này cuối năm 2022 khi chưa có sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường là khoảng 65%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo đề xuất tại hội nghị |
Tuy nhiên đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu và đẩy mạnh hơn nữa phân cấp ủy quyền cho các địa phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
“Vì trong thực tế có những nội dung thẩm quyền của Trung ương, đơn cử như chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác nhưng quy định diện tích đất rất ít khoảng 10ha thì phải trình Thủ tướng chính phủ cho nên các địa phương thực hiện thì thời gian rất dài. Nếu được phân cấp ủy quyền hoặc nâng hạn mức lên có thể 50ha - 100ha thì phải trình Thủ tướng Chính phủ còn lại thì UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh quyết định, như thế sẽ nhanh hơn”- bà Thảo góp ý.
Đồng quan điểm với Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước về ngành đã được nâng cao, hỗ trợ cho các địa phương trong tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, khoáng sản…
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy phát biểu tại hội nghị ( Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khoáng sản đối với một số nội dung còn chưa phù hợp. Đơn cử như tại Điều 2 và 64 của Luật Khoáng sản không thống nhất về định nghĩa “đất san lấp”, đặc biệt Quảng Ninh có đất đá thải mỏ thuận lợi cho làm vật liệu san lấp.
Đồng thời, theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Luật Thủy sản, UBND cấp huyện được giao quyền cấp phép nuôi trồng thủy hải sản trên biển trong khu vực từ 1-3 hải lý, UBND cấp tỉnh được giao từ 3-6 hải lý, nhưng trước khi giao phải xin ý kiến 5 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao. Ngoài 6 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định. Tuy nhiên ở Quảng Ninh các huyện đảo như Cô Tô, Vân Đồn đều ngoài 6 hải lý, nếu người dân muốn nuôi trồng thủy hải sản phải lên tận Bộ Tài nguyên và Môi trường xin giao vùng biển cho từng người dân với hạn mức 01 ha/hộ thì rất phức tạp.
Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi để các địa phương phát huy nguồn lực tốt hơn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2024 tập trung vào 9 nhiệm vụ, giải pháp (Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2024 tập trung vào 9 nhiệm vụ, giải pháp trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm.
Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng cũng đã lấy ví dụ ý kiến địa phương vừa nêu, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10ha lúa, 20ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng Chính phủ. Qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.