Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước; cơ quan của Quốc hội; các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các địa phương.
Nhìn lại năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của đất nước. Theo đó, ngành đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, ban, Bộ, Ngành trung ương và địa phương (Ảnh: La Duy) |
Cụ thể, trong năm 2023, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 09 dự thảo VBQPPL, 03 nghị định, 03 quyết định đã được ban hành; Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 19 thông tư giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.
Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ tập trung xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 08/08 quy hoạch cấp quốc gia, 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ đã triển khai giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khu tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông…trong đó, tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cũng như triển khai xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự chủ trì hội nghị (Ảnh: La Duy) |
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động triển khai các chiến lược, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch
Cụ thể, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập 26 quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Tích cực làm việc với các đối tác quốc tế trong triển khai các nhiệm vụ, dư án vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cũng như bảo vệ tầng ô-dôn, quản lý loại trừ các chất HFC..
Thực hiện Tuyên bố JETP cũng như công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, lần đầu tiên bán chứng chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh.
Bên cạnh việc phát huy vai trò nguồn lực khoáng sản, đáp ứng nguồn cung về nguyên vật liệu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, năm 2023, Bộ đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, sản xuất, tài nguyên nước, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược của đất nước. ..
Nhân dịp này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2023.