Xúc tiến thương mại ngành gỗ: Phải triển khai ở cả cấp quốc gia, hiệp hội và doanh nghiệp Bộ Công Thương đồng hành kết nối giao thương xuất khẩu cho doanh nghiệp phía Nam |
Quả ngọt từ xúc tiến thương mại
Chia sẻ tại "Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Cổ phần DH Foods cho biết, để đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị trên thế giới, doanh nghiệp đã dành nhiều nguồn lực trong xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.
Theo ông Dũng, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước như Vietfood, Food Expo. Thông qua hội chợ, các nhà mua hàng nước ngoài đến tìm hiểu và từng bước sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra thế giới.
Khi doanh nghiệp phát triển hơn, đơn vị bắt đầu tham gia các triển lãm quốc tế tại Thái Lan, Pari, Đức, Nhật Bản…. Từ đầu năm 2023 đến nay, Dh Foods ít nhất đã tham gia 3 hội chợ - triển lãm lớn tại Nhật Bản, Mỹ và mới đât nhất là Trung Quốc. Thông qua các hội chợ này, nhiều khách hàng của Mỹ, Trung Quốc đã qua tận công ty để đàm phán đơn hàng.
Các địa biểu chia sẻ tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại |
“Khi quy mô nhỏ, doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước. Có nhiều hội chợ được Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ chi phí gian hàng hoặc miễn phí. Doanh nghiệp đã tận dụng từ những cơ hội nhỏ nhất”, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, cùng với xúc tiến thương mại, một trong những điều giúp doanh nghiệp thành công là xác định ngay từ đầu mọi thứ đều phải chuẩn. Đó là chuẩn về mẫu mã, chuẩn về sản phẩm, chuẩn về nguyên liệu, chuẩn về hồ sơ công bố…
“Các bạn đừng nghĩ, ta cứ làm đã rồi từ từ sẽ làm tốt hơn, hoàn chỉnh hơn, nhưng điều đó không đúng. Ngay từ đầu chúng ta nên làm hoàn chỉnh và cố gắng hoàn chỉnh nhất có thể. Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì, và thương hiệu sản phẩm. Vì nếu không đăng ký thương hiệu, đợi doanh nghiệp phát triển thì có thể thương hiệu đã bị đăng ký”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận về hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, những tháng đầu năm 2023, các xung đột địa chính trị ở một số quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu biến động nhanh, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến xu hướng tiêu dùng giảm; mối đe dọa an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên nhờ hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tháng sau tăng so với tháng trước.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Đỗ Quốc Hưng Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, (Bộ Công Thương) khu vực Á – Phi là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi đạt kết quả đáng khích lệ ở mức 500 tỷ USD, chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất nhập khẩu của cả nước.
Để duy trì tăng đà tăng trưởng này, doanh nghiệp cần đảm bảo đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu. Theo ông Hưng, hiện nay đứt gãy chuỗi cung ứng đang hiện hữu và xảy ra thường xuyên. Nhiều nước đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng. Do đó, doanh nghiệp phải đa dạng nguồn cung đầu vào. Đặc biệt là nguồn cung đầu vào một số mặt hàng như phân bón, nguyên phụ liệu da giày.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tới các khách hàng |
“Nếu trước đây, nhiều nguyên phụ liệu chúng ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc, thì hiện nay doanh nghiệp có nhiều nguồn cung khác như ở khu vực Nam á, Ấn Độ”, ông Đỗ Quốc Hưng cho biết.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, sản xuất hữu cơ với nông nghiệp. Hiện nay, các nước nhập khẩu đều yêu cầu các sản phẩm xanh, sạch, an toàn. Vì vậy, để thâm nhập được vào các thị xuất khẩu, sản phẩm của Việt Nam phải có sự khác biệt với các nước khác.
“Điển hình như mặt hàng dệt may, trước đây xuất khẩu dệt may mỗi năm đạt khoảng hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam sụt giảm mạnh. Trong khi đó, đơn hàng của doanh nghiệp Bangladesh vẫn dồi dào. Đây là ví dụ cho thấy, doanh nghiệp chuyển đổi xanh sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Đỗ Quốc Hưng nhấn mạnh
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Mặc dù khó khăn nhưng vẫn có nhiều thị trường ngách mà doanh nghiệp chưa khai thác hết. Điển hình như thị trường Trung Quốc, chúng ta giáp Quảng Tây, Vân Nam nhưng thời gian qua Việt Nam mới chỉ tập trng vào Quảng Tây với kim ngạch khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, Vân Nam (quy mô dân số tương đương Quảng Tây song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD). Cùng với đó là các thị trường như Ấn Độ, Châu Phi, và khối các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để hỗ trợ các doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thành công các Chương trình kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc – Trung - Nam và gần đây nhất là 02 chương trình Kết nối giao thương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Bắc - Bắc Trung Bộ được tổ chức lần lượt tại Đà Nẵng và Hà Nội vào tháng 5, 6/2023.
Các Chương trình Kết nối giao thương hỗ trợ doanh nghiệp các vùng miền cả nước đã có hàng ngàn kết nối và trao đổi, giao dịch trực tiếp với nhiều đối tác trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.