Nhiều loại hàng hóa biến động mạnh
Theo ước tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10 ngày 29/10, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin, sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hoạt động lưu thông hàng hoá trên thị trường dần được phục hồi, cung ứng hàng hoá, nhất là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trên thị trường cho người dân được cải thiện.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 10 đạt 357.924 tỷ đồng, tăng 18,15% so với tháng trước, mức tăng cao chủ yếu tập trung vào nhóm dịch vụ với mức tăng từ 39,5-299%. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ các nhóm như may mặc, phương tiện vận tải cũng có sự phục hồi sau khi các địa phương giảm giãn cách xã hội (tăng từ 23-25%), các nhóm còn lại tăng từ 8-14%.
Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá 10 tháng đầu năm 2021 đạt 3.720.401 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các nhóm giảm mạnh vẫn là dịch vụ, hàng tiêu dùng, may mặc, phương tiện vận tải và văn hoá phẩm. Do tác động của dịch bệnh Covid-19, riêng chỉ có nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 4,37% kể cả giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp (tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 13-14% của cùng kỳ các năm trước do nhu cầu tại các bếp ăn tập thể, trường học giảm).
Chuẩn bị tốt các phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong đó, có 3 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng tăng giá. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê lý giải về nguyên nhân khiến CPI tháng 10/2021 giảm là do nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm. Giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm cũng là những yếu tố tác động lên CPI tháng 10.
Có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm cao nhất với 1,28% do nguồn cung dồi dào. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26% chủ yếu do giá tiền thuê nhà giảm 4,67% hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá điện sinh hoạt giảm 0,99%, nước sinh hoạt giảm 2,46% do thời tiết sang thu nên nhu cầu sử dụng giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, tập trung giảm ở giá điện thoại di động và phụ kiện điện thoại di động đối với các mẫu hàng cũ.
Cùng với đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất với 2,51% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. Dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,08% do giá xăng, dầu tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,25%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,22% do một số địa phương tăng học phí mầm non, học phí đại học mặc dù có một số địa phương đã thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% do nước giải khát có ga, rượu, bia và thuốc lá tăng khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội và chi phí vận chuyển tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13% do nhóm vải các loại tăng 0,48% và giày dép tăng 0,07%...
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020. Thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10/2021 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hoạt động này đã góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Theo báo cáo nhanh, trong tháng 10/2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý trên 3.250 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 25 tỷ đồng. Luỹ kế từ ngày 1/1/2021 đến 25/10/2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 36.755 vụ vi phạm; thu nộp nhân sách nhà nước trên 282 tỷ đồng.
Đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Hiện đang vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ được đảm bảo kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp do các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường.
Dự báo về CPI trong 2 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư cơ bản đã được khống chế, nhu cầu của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm. Giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao và bên cạnh đó xăng dầu tăng giá tác động tới giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. Do đó, dự báo các yếu tố làm giảm giá tiêu dùng trong thời kỳ giãn cách xã hội không còn tác động trong hai tháng còn lại của năm. Tất cả các yếu tố này làm cho chỉ số giá tiêu dùng của hai tháng cuối năm sẽ tăng khá cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021.
Để chuẩn bị tốt nguồn hàng cho dịp cuối năm, đối với mặt hàng thịt lợn, nhằm kiểm soát tình trạng giá cả mặt hàng thịt lợn tăng giảm theo biên độ lớn trong thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được kiến nghị thực hiện tái cơ cấu lại ngành, sản phẩm chăn nuôi, áp dụng các giải pháp công nghệ trong kỹ thuật cũng như trong quản lý; tăng cường kiểm soát nguồn cung, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường nhằm đảm bảo cân bằng cung cầu, giá cả hợp lý. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh thực hiện chế biến, xây dựng các vùng kiểm dịch an toàn theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, quy trình giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm và công tác phát triển thị trường hướng đến xuất khẩu.
Về giá các mặt hàng xăng dầu, gas, phân bón tăng tương đối cao, tuy nhiên nguồn cung các mặt hàng này vẫn luôn được các bộ, ngành có chỉ đạo kịp thời để đảm bảo cung ứng, phục vụ tiêu dùng. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết sẽ có ý kiến với các thương nhân đầu mối khác nhằm ổn định nguồn cung xăng dầu cuối năm. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất phân bón cần chủ động tìm kiếm nguyên liệu đầu vào, tăng cường ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất nhà máy để cung ứng nhanh và kịp thời phân bón ra thị trường trong nước; tránh để tình trạng khan hiếm gây gián đoạn hoạt động sản xuất.
Về phía các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thành phố đã xây dựng kế hoạch nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho những tháng cuối năm và dịp Tết 2022 theo 2 phương án đảm bảo theo diễn biến tình hình các cấp độ dịch bệnh và ở trạng thái bình thường. Với mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông để đảm bảo một phần nguồn cung; chủ động phối hợp với các địa phương khác để bổ sung nguồn hàng. Cùng với đó, chủ động phát triển các sản khác như thịt trâu, bò, gà, trứng để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong đợt cao điểm cuối năm.
Bằng mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc để bảo đảm nguồn cung hàng hoá, các mặt hàng thịt lợn, phân bón, xăng dầu cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)