Phân bón trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước hiện trên 8 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn. Theo đó Việt Nam cũng cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón với phân urê, lân và NPK, đáp ứng khoảng 86% nhu cầu DAP và MAP, chỉ nhập khẩu phân SA và kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu. "Trong 6 tháng năm 2021, các nhà máy đẩy mạnh công suất nên sản lượng đạt 4,33 triệu tấn phân bón vô cơ các loại. Nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng, lượng tồn kho thấp nhưng vẫn chưa phát huy 100% công suất thiết kế"- ông Nguyễn Văn Thanh thông tin.
Phân bón trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu |
Ngoài ra theo Cục Hóa chất, lượng phân bón nhập khẩu trong 6 tháng qua ước khoảng 2,3 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng thời điểm này, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 667.000 tấn phân bón các loại, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Hóa chất nhìn nhận, giá phân bón phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố bên ngoài như thị trường giá nông sản tăng liên tục khiến nhu cầu tăng cao, giá bán nguyên liệu như lưu huỳnh và amoniac, giá dầu, giá cước vận chuyển tăng..., không phải do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu trong nước. “Tuy nhiên, do đang cuối vụ lúa Hè Thu, nhu cầu phân bón sẽ giảm, nguồn cung vẫn được đảm bảo từ sản xuất và nhập khẩu, nên dự báo giá phân bón có thể có xu hướng chững lại và giảm dần”- ông Nguyễn Văn Thanh dự báo.
Liên quan tới việc nhiều ý kiến cho rằng xuất hiện tình trạng thiếu phân ure, Cục Hóa chất thông tin, hiện năng lực sản xuất phân ure trong nước đạt 2,66 triệu tấn/năm, tiêu thụ khoảng 1,8- 2 triệu tấn/năm. Như vậy, năng lực sản xuất ure hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu từ 500-660 tấn ure/năm.
Từ đầu năm nay, do nhu cầu thị trường nội địa, sản xuất urê của các nhà máy mới chỉ đạt khoảng 87% công suất thiết kế, do giá urê nhập khẩu đang cao hơn so với giá urê sản xuất trong nước nên các nhà máy sẽ phát huy công suất tối đa, đẩy mạnh sản xuất cung ứng urê ra thị trường. “Tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định so với các năm trước, đạt trên 6,6 triệu tấn, trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu thì cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước”- Lãnh đạo Cục Hóa chất khẳng định.
Tiếp tục các giải pháp bình ổn thị trường phân bón
Theo Bộ Công Thương, Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định rằng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật; trong khi đó, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Cục Hóa chất lý giải, giá phân bón tăng trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do khác nhau, như giá phân bón thế giới tăng, sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển, nhu cầu tăng... “Chính vì vậy, chưa có cơ sở khẳng định sự thiếu hụt về nguồn cung. Do đó, việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón ngay là chưa đủ cơ sở, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp, hiệp hội cần có đánh giá cụ thể”- ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Để bình ổn thị trường, theo ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1321/BCT-HC ngày 11/3/2021 đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón lớn trên toàn quốc chủ động tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có chất lượng với giá cả hợp lý; tăng cường sản xuất cung ứng sản phẩm ra thị trường; không thực hiện các hành vi đầu cơ để trục lợi; kiểm soát hoạt động xuất khẩu phù hợp với thực tế.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật...
Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.
Đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, để đảm bảo nguồn hàng, trước mắt các doanh nghiệp nên xem xét, ưu tiên tiêu thụ trong nước, đồng thời đẩy mạnh sản xuất; Tập trung chuẩn bị đủ nguyên liệu, chuẩn bị tốt máy móc thiết bị, lao động để tổ chức sản xuất tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Bám sát diễn biến giá thị trường và tham gia bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, chủ động tìm nguồn nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có chất lượng với giá cả hợp lý, đồng thời tăng cường liên kết trong việc cung ứng nguyên liệu sản xuất, phát huy tối đa công suất để cung ứng sản phẩm ra thị trường; hạn chế tối đa, không để tồn kho gây ứ đọng vốn hoặc thực hiện các hành vi đầu cơ để trục lợi; kiểm soát hoạt động xuất khẩu phù hợp với thực tế.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón để kinh doanh cần chủ động cân đối nguồn hàng có chất lượng và giá cả phù hợp nhằm cung ứng nhanh chóng đến người sử dụng; tăng cường kết nối với các đơn vị sản xuất phân bón trong nước để đặt hàng, thúc đẩy lưu thông, phân phối phân bón trong nước, không đầu cơ tích trữ hàng hóa.
Cục Hóa chất cũng khẳng định, có thời điểm nhu cầu phân bón tăng đột biến nên nguồn cung thiếu hụt cục bộ, có tính chất tạm thời. Dù vậy, nông dân không nên quá lo lắng, mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn; sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn, bởi thực tế hiệu suất sử dụng phân bón của Việt Nam đang rất thấp, chỉ đạt 50 - 60%, dẫn tới lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trường hợp nếu thiếu mặt hàng phân bón nào thì có thể sử dụng mặt hàng tương tự để thay thế (nhu cầu đạm có thể lấy từ ure, DAP hoặc NPK, nhu cầu lân có thể lấy từ lân nung chảy, supe lân, DAP hoặc NPK…).